TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 87 CN 27.05.2007

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

MỤC LỤC

 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN..

KHUÔN MẶT THIÊNG LIÊNG..

NGƯỜI TRI THỨC NHẤT NƯỚC ĐỨC: ĐGH BÊNÊĐÍCTÔ XVI.

Phái Ðoàn Ủy Ban Bác Ái thuộc Hội Ðồng Giám Mục Ý thăm Việt Nam.

NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ MỸ THO :

MỘT TRĂM NĂM HỒNG ÂN..

GIÁO XỨ PHÚ LONG, GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG..

MỘT SỨC SỐNG MẠNH MẼ CỦA ĐỨC TIN..

TẢN MẠN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP.

NẾU CUỘC ĐỜI VẮNG BÓNG THÁNH LINH..

Tảng đá Giáo Hội

NHÂN ĐỌC “THAO THỨC” CỦA ĐGM BÙI TUẦN   THAO THỨC CÙNG “THAO THỨC”.

NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ SỐNG ĐẠO HÔM NAY..

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC..

SAU KHI NGHE BÀI PHÚC ÂM LẠI KHÔNG ĐÁP "TẠ ƠN CHÚA..

THÓI QUEN XIN LỄ GIỖ, LỊCH SỬ KINH TIN KÍNH CÔNG ĐỒNG NICÉE VÀ KINH TIN..

KÍNH CÁC TÔNG ĐỒ..

CHỊ GABRIELLA BORGARINO, NỮ TỬ BÁC ÁI VINH-SƠN PHAOLO..

TÌNH LÀ CƠM...

Giáo dục con cái   CHA MẸ CẦN BÌNH TĨNH..

Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng ta!”.

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Đó là lời Chúa. 

 

 

HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

 

  1. Chúa Thánh Thần, quà tặng quý nhất của Chúa Giêsu Phục Sinh.

 

Đoạn Tin mừng này chúng ta đã nghe vào Chúa nhật thứ hai Phục sinh. Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta để ý hơn đến việc Chúa Giêsu Phục sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ.

 

Theo sách Công vụ tông đồ của Thánh Luca (bài đọc1), biến cố Thánh Thần hiện xuống xảy ra 50 ngày sau lễ Vượt qua, với những hiện tượng đặc biệt như tiếng gió mạnh, lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng (Cv 2, 1- 11). Còn trong đoạn Tin mừng này theo Thánh Gioan, ta thấy Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay trong lần hiện ra đầu tiên với họ.

 

Chúa Phục Sinh ban Thánh Thần sau khi đã hai lần chúc bình an cho các môn đệ (Ga 20, 19, 21). Bình an thực là một ơn lớn cho các ông, những người đang sợ hãi đến nỗi phải đóng kín cửa. Đóng cửa để được an toàn. Đóng cửa để được “bình an”.

 

Chúa Giêsu đến đem cho họ một thứ bình an khác, bình an của ngài, bình an không theo kiểu thế gian (Ga 14, 27). Bình an này đòi mở cửa. Bình an của những người được sai đi : “Thầy cũng sai anh em”. Bình an của những người đem lại ơn tha thứ : “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”.

 

Chúa Phục sinh đã cho họ xem những vết thương ở nơi tay và cạnh sườn. Khi nhận ra Thầy cũ, Thầy bị đóng đinh và đã chết mà nay đang sống, các mộn đệ tràn ngập niềm vui. Họ vui vì được thấy Chúa.

 

Chính trong bầu khí của bình an và niềm vui trên đây mà Thánh Thần được Chúa Phục Sinh ban tặng cho các môn đệ. Thánh Phaolô trong thư gửi dân Galát đã coi bình an và niềm vui như hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22).

 

Chúng ta hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ mà bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi hơi gợi cho ta nhớ đến việc Thiên Chúa thổi hơi vào mũi người đàn ông đầu tiên mà Ngài mới nặn lên từ bùn đất, để khiến ông trở thành một người có sự sống ( St 2,7). Trao Thánh Thần là làm một cuộc sáng tạo mới, một sự Phục sinh thực sự. (Ed 37, 9).

 

Đối với người Do Thái, hơi thở là dấu hiệu của sự sống.

 

Lạy Chúa, nếu Chúa cất đi hơi thở của các thụ tạo, chúng sẽ chết và trở về tro bụi. Khi Chúa sai hơi thở của Chúa đến, chúng được tạo nên, và như thế Chúa canh tân bộ mặt trái đất” ( Tv 104, 29-30).

 

Trong tiếng Do Thái cổ và tiếng Hy Lạp, từ dùng chỉ Thánh Thần, ( ruakh, pneuma ) còn có nghĩa là gió hay hơi thở. Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ hơi thở của Người, hơi thở sức sống thần linh của Đấng Phục sinh, đó là Thánh Thần. Khi nhận được quà tặng quý giá này, họ có thể làm được những điều phi thường, nhận được những đặc sủng. Nhưng ở đây Chúa lại nói đến một quyền khác, quyền tha tội, quyền ban lại sự sống cho các tội nhân : “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”. Truyền thống Công giáo hiểu câu này có nghĩa là Chúa ban quyền tha tội cho các Tông đồ, cho các giám mục là những người kế vị, và cho các linh mục là những cộng sự viên của các giám mục.

 

  1. Chúa Thánh Thần, người bạn đường của mọi Kitô hữu.

 

Khi Phaolô đến Êphêsô, ông gặp một số môn đệ ở đó và hỏi họ “Khi vào Đạo, các ông đã lãnh nhận Thánh Thần chưa ?”. Họ trả lời : “Ngay việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa được nghe nói” ( Cv 19, 1-2).

 

Chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, nhưng có thể chúng ta vẫn xa lạ với Ngài như một số tín hữu ở Êphêsô. Đôi khi chúng ta có nhớ đến Ngài trước một buổi chia sẻ Lời Chúa, nhưng chúng ta ít nghĩ rằng Thánh Thần vẫn hoạt động trong suốt giờ chia sẻ, và còn sau đó nữa, để Lời Chúa sinh  hoa trái bằng hành động.

 

Thật ra Thánh Thần ở gần ta. Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa. Ngài có mặt khi ta gọi Tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12, 31), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái ( Rm 8, 15). Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống thiêng liêng.

 

Thánh Thần cũng ở gần bên Giáo hội và là linh hồn của Giáo hội. Ngài giúp Giáo hội được hiệp nhất, bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người, để họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân. Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi Thánh lễ. Ngài thánh hoá bánh rượu để chúng trở nên Mình Máu Đức Kitô. Ngài ở trong Giáo hội nhưng Ngài cũng hoạt động ở ngoài Giáo hội, trong các tôn giáo.

 

Đức Giêsu là người được đầy tràn Thánh Thần ngay từ khi bắt đầu thụ thai trong lòng mẹ (Lc 1, 35). Khi lãnh nhận phép Rửa của Gioan, Người đã được Thánh Thần ngự xuống và lưu lại một cách công khai và long trọng ( Ga 1,33). Sau đó chính Thánh Thần đã đưa Người vào hoang địa để đối đầu với Satan (Lc 4,1-13). Chiến thắng được Satan, Người bắt đầu cuộc đời công khai của mình “trong quyền năng của Thánh Thần”(Lc 4, 14). Tại hội đường Nadarét, Người tuyên bố lời Ngôn sứ Isaia nay được ứng nghiệm : Người chính là người có Thánh Thần, người được Cha xức dầu để sai đi thi hành sứ vụ ( Lc 4, 16- 210. Người đã trừ quỷ “nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa” ( Mt 12, 28). Dưới sự tác động của Thánh Thần, có lúc Đức Giêsu đã rộn lên niềm vui, mới bật lời ca ngợi tự phát dâng lên Cha (Lc 10, 21).

 

Khi gần đến giờ Cha được tôn vinh, giờ mà Người đi ngang qua cái chết để về với Cha, Đức Giêsu đã hứa sẽ sai Thánh Thần đến với các môn đệ (Ga 15, 26;16,7).

 

Phải chờ đến sau Phục sinh, lời hứa này mới được thực hiện ( Ga 7,39).

 

Đức Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ.

 

Người sẽ Ở VỚI các con luôn mãi …Ngài Ở LẠI BÊN các con và sẽ Ở TRONG các con” ( Ga 14, 16- 17).

Nếu Đức Giêsu đã hoàn toàn quy hướng về Cha, thì một cách nào đó chúng ta cũng thấy Thánh Thần quy hướng về Chúa Giêsu cách trọn vẹn.

 

Thánh Thần không dạy những điều mới, nhưng chỉ nhắc cho các môn đệ nhớ lại mọi lời Đức Giêsu đã nói ( Ga 14, 26).

 

Ngài sẽ dạy mọi sự và sẽ dẫn họ vào toàn bộ sự thật về Đức Giêsu Kitô ( Ga 16, 13).

 

Như thế Thánh Thần giúp tín hữu hiểu sâu xa hơn và trọn vẹn hơn về lời nói, việc làm và cả con người Đức Giêsu.

 

Ngoài ra Thánh Thần còn làm chứng về Đức Giêsu (Ga 15,26) và làm cho Đức Giêsu được vinh hiển ( Ga 1, 14).

 

Chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Đức Giêsu và Thánh Thần.cả hai Đấng đều không tự mình nói, nhưng chỉ nói điều mình đã nghe từ Đấng sai mình ( Ga 12, 49; 16, 13).

 

  1. Thánh Thần trong Hội thánh truyền giáo.

 

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đã nói được nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác, và người ta đã hiểu được điều họ nói. Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc  loan báo Tin mừng nơi mọi dân tộc. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau và giúp Hội thánh trở thành Hội thánh của mọi dân tộc.Thánh Thần chữa lành vết thương của tháp Baben.

 

Đức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ 2000 năm. Làm sao để người Châu Á hiểu Tin mừng ? Hiểu là bước đầu để đón nhận và tin theo.

 

Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Chúa” ( Cv 2, 11). Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mạc khải về Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

 

Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của các quốc gia là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu.

 

Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều họ nói.

 

Kinh thánh đã được dịch ra hơn 2000 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.

 

 

Theo Bài Giảng Chúa Nhật

Giáo phận TP. HCM

 

TU ĐỨC

 

 

KHUÔN MẶT THIÊNG LIÊNG

 

Mỗi thời có một bộ mặt.

Đời sống thiêng liêng, tức đời sống đạo đức, về căn bản, vẫn là một trong bất cứ thời nào. Nhưng không vì thế mà không có vài đặc điểm riêng của từng giai đoạn lịch sử.

Thời nay được gọi là thời toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là dấu ấn của các phát triển khoa học, kinh tế, văn hoá, kể cả chính trị.

Còn trong lãnh vực thiêng liêng thì sao?

Suy nghĩ của tôi hạn hẹp, chỉ nhận ra được vài nét. Tôi tạm coi đây là mấy đặc điểm làm nên khuôn mặt thiêng liêng của Công giáo thời nay.

1/ Người công giáo đang cùng với xã hội xây dựng văn hoá tình yêu liên đới

Công đồng Vatican II dạy:

"Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng mình đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng cá nhân con cái mình".

(...)

"Trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội phải biết mình luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm của các thời kỳ. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng khuyên giục con cái mình thanh tẩy và canh tân, để dấu chỉ của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội" (Gaudium et Spes, ch. IV,43).

"Bổn phận của toàn thể dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học là: Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt và giải thích tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý Phúc Âm mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn" ((Gaudium et Spes, ch. IV,44).

Những lời dạy trên đây của Công đồng cho thấy: Tương quan giữa đời và đạo là một thực tế. Chúng ta thấy hiện nay nó đang rất cụ thể.

Khi phân tích các tín hiệu trong những biến cố thời đại hiện nay tại Việt Nam, hầu như mọi người công giáo chúng ta, nhất là các đấng bậc, đều nghe thấy một tiếng gọi chung: Hãy yêu thương nhau. Yêu thương là việc thiện cao quý nhất.

Thực sự, trong xã hội và cả trong Giáo Hội hiện nay, vẫn có giao tranh giữa hận thù, ghen ghét và yêu thương liên đới. Xem ra cái ác đang có vẻ rất mạnh. Chính vì để thắng sức mạnh của hận thù ghen ghét, Chúa muốn Giáo Hội phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa tình yêu. Trong chuyến thăm Nam Mỹ mới rồi, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nhấn mạnh điều đó.

Thiên Chúa tình yêu đang hoạt động trong nhiều tâm hồn thiện chí khắp xã hội. Nếu biết tỉnh thức, chúng ta sẽ gặp được họ. Họ và ta sẽ được Chúa tình yêu dẫn dắt, để đổi mới xã hội. Đổi mới bằng nhiều cách, nhưng nhất là bằng văn hoá tình yêu. Văn hoá này sẽ đẩy lùi bóng tối hận thù, ghen tương, ích kỷ, kiêu căng đang thống trị trong lòng nhiều người, trong nếp sống bao tập thể.

Trong việc xây dựng văn hoá tình yêu, Giáo Hội sẽ giữ một vai trò khiêm tốn. Ta luôn cùng với. Chứ không lẻ loi một mình.

Để được như vậy, Giáo Hội hôm nay đang chú trọng đặc biệt đến việc đào tạo những nhân sự làm mục vụ, truyền giáo và làm chứng cho tình yêu Chúa giữa trần thế, một trần thế không bao giờ vắng quỷ ghen ghét, hận thù. Khi sống văn hoá tình yêu, Hội Thánh công giáo sẽ đặc biệt chú tâm lo cho người nghèo khổ.

2/ Người công giáo đang cùng những người thiện chí quan tâm đặc biệt đến những người đau khổ

Những người đau khổ nói đây là lớp người nghèo, những người bệnh nạn tật nguyền, già yếu, neo đơn, thất học, thất nghiệp, bơ vơ giữa đời.

Nếu để ý quan sát, ta thấy: Những chính quyền nào thực sự lo cho lớp người đau khổ bao giờ cũng được lòng dân. Những tôn giáo nào đặt ưu tiên quan hệ yêu thương với những người nghèo khổ sẽ luôn có sức thu hút lòng người.

Không phải bất cứ ai cũng thích và biết dấn thân vào hướng phục vụ người đau khổ. Tất nhiên cũng có những người tự nhiên có bản năng đó. Nhưng hầu hết phải được đào tạo.

Đào tạo tốt nhất là theo gương Đức Giêsu thành Nadarét. Người yêu thương bằng cách từ bỏ mình. Như bước xuống thân phận người nghèo, sống với họ, chia sẻ cuộc đời của họ.

Chính những người được đào tạo như vậy và kiên trì dấn thân như Chúa Giêsu, ít là một cách tương đối không trái ngược, sẽ giúp cho khuôn mặt thiêng liêng của Giáo Hội có một nét đẹp khác thường. Thực tế hôm nay cho thấy: Họ không cô đơn. Họ vẫn cùng với nhiều môn đệ âm thầm của Chúa Giêsu đang dấn thân như vậy.

Khuôn mặt thiêng liêng thời nay của các cộng đoàn còn một nét đẹp nữa, đó là mến yêu Giáo Hội.

3/ Người công giáo đang cùng với Đức Maria yêu thương tha thiết Hội Thánh Chúa

Thực vậy, kính yêu Hội Thánh vốn là một bổn phận quan trọng của lương tâm mọi người con

Hội Thánh. Hội Thánh là một thứ bí tích cứu độ do Chúa Giêsu lập nên.

Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn bằng nhiều cách. Có cách người ta thấy và hiểu được. Có cách người ta không thấy và không hiểu được.

Hội Thánh là mẹ thiêng liêng sản sinh và nuôi dưỡng những người được chọn, để về nhà Cha. Hội Thánh được trao cho các thánh tông đồ và các đấng kế vị các ngài, để đức tin được vững vàng trong sáng. Hội Thánh luôn được Mẹ Maria yêu thương bảo trợ.

Riêng tôi, tôi luôn cảm tạ Chúa, vì được Hội Thánh Chúa chở che, giáo dục và thánh hoá hằng ngày. Vì đã quen sống trong tình yêu Hội Thánh, nên tôi coi những ai kính yêu hiếu thảo đối với Hội Thánh là những người sống trong ơn nghĩa Chúa, như một bảo đảm cho phần rỗi. Cho dù Hội Thánh có lúc như người mẹ già bệnh tật, tôi vẫn kính yêu và càng phải kính yêu hơn.

Trên đây tôi vừa trình bày ba nét đẹp thiêng liêng của người đạo Chúa hôm nay:

- Một là: Cùng với xã hội xây dựng văn hoá tình yêu.

- Hai là: Cùng với những người thiện chí quan tâm lo cho những người nghèo khổ.

- Ba là: Cùng với Đức Mẹ yêu thương Hội Thánh đủ các thành phần..

Cả ba đặc điểm đó tất nhiên phải xây dựng trên nền tảng đức tin, khiêm nhường và cởi mở, liên đới.

Với tinh thần sám hối, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có được một bộ mặt thiêng liêng tốt đẹp. Thiết tưởng đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

ĐGM. GB. Bùi Tuần

                                                           

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

 

NGƯỜI TRI THỨC NHẤT NƯỚC ĐỨC: ĐGH BÊNÊĐÍCTÔ XVI

TitelseiteĐức quốc - 21.5.2007 - Tạp chí hàng tháng Cicero chuyên ngành lớn về nghị luận văn hóa chính trị tại Đức cứ mỗi năm bình chọn lại bảng danh sách 500 người tri thức nhất của Đức (Das Cicero-Ranking 2007). Tạp chí Cicero tháng 5.2007 đã bình chọn người đứng đầu danh sách 500 vị tri thức tại Đức là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Những người được bình chọn trong danh sách 500 của họ phải được duyệt xét qua 160 tờ nhật Das angesehene US-Magazin "Times" hat die 100 einflussreichsten Menschen unserer Zeit gekürt. Wer es in diese Auswahl geschafft hat, lesen Sie hier. báo và tạp chí lớn nằm trong vùng nói tiếng Đức. Sự đóng góp tư duy của họ được đưa vào hệ thống tư liệu điện tử và được nhiều người vào xem và trích dẫn. Theo Cicero 500 người được chọn có ảnh hưởng tư duy rất quan trọng trong xã hội Đức hiện tại. Sau đây là danh sách tiêu biểu của 10 người bình chọn đứng đầu bảng trong con số 500 được đứng trong danh sách tri thức của nước Đức (Die Cicero-Liste der 500 führenden deutschsprachigen Intellektuellen):

Xin được nhắc thêm:

- Tạp chí Time của Hoa Kỳ số ra ngày 04.5.2007 đã công bố danh sách thường niên 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2007. Trong danh sách này (Time-Ranking): gồm 71 nam và 29 nữ thuộc 27 quốc gia, có tên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Danh sách của Time-Ranking bao gồm những nhân vật mà quyền lực, tài năng và tấm gương về đạo đức của họ giúp thay đổi bộ mặt thế giới.

- Sách „Đức Giêsu Nazareht“ của Joseph Ratzinger đã được phát hành vào ngày 16.4.2007 bằng tiếng Đức. Tại Đức nhà sách Thần học nổi tiếng Herder đã in 150 ngàn cuốn và phải vội vã in thêm 100 ngàn cuốn nữa vì nhiều độc giả tìm kiếm. Đó là sách đang bạn chạy nhất và chỉ trong một đêm đã trở thành „Bestseller“ vượt qua mặt luôn những sách truyện của Harry Potter.

- Vào ngày 12.4.2007 dịp mừng sinh nhật thứ 80 của ĐGH Bênêđictô XVI, bưu điện Đức đã phát hành con tem 55 Cent rất đẹp với hình của ĐGH Bênêđictô XVI đang dang đôi tay rộng mở như đang chờ các đoàn con tín hữu từ bốn phương đến với Ngài. Tem này hầu như đã bán hết với số lượng trên 10 triệu con tem. Đây là một cử chỉ thật đặc biệt của nước Đức dành cho ĐGH vì theo luật của Đức chỉ có Tổng Thống đương nhiệm mới được in hình trên tem thư. Đồng thời tại nước Áo, bưu điện cũng cho phát hành con tem trị giá 100 Cent để mừng sinh nhật ĐGH.

- Vào ngày 18.12.2006 Phân Khoa Hùng Biện thuộc Viện Đại Học Tübingen tại miền Nam Đức trong đã bình chọn bài thuyết trình của ĐGH Bênêđictô XVI về ''Đức Tin, Lý Trí và Đại Học. Ký Ức và Suy Tư'' - dịp ngài trở về thăm cố hương - tại giảng đường đại học Regensburg vào ngày 12.9.2006 là "Diễn Văn Của Năm 2006“ tại Đức quốc. Đại học Tübingen đã nêu lý do và đánh giá bài thuyết trình là "tác phẩm xuất chúng“ (Meisterhaft Komponierte Rede) nói về mối quan hệ của đức tin và lý trí. Theo phân khoa này thi đó chính là câu trả lời đúng nhất được đặt trên nền tảng tôn giáo cho xã hội thời nay.

Trong một xã hội đang phân hóa trầm trọng tại Đức về hai miền đông tây, kinh tế, giáo dục, xã hội lẫn tôn giáo, nhất là giữa công giáo và tin lành với con số 26,3 triệu (43,1% dân số) cho công giáo và 25,1 triệu tương xứng 41,1% cho tin lành, trong 2 tôn giáo lớn này thống kê cho biết chỉ còn 60% tin vào Thiên Chúa. Tại Đức, theo truyền thống từ những năm dài nhiều giới chức cao cấp công giáo vẫn có đầu óc chống lại Tòa Thánh Vatican thì việc Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 19.4.2005 hiển nhiên làm cho họ không phục tòng hoặc không hồ hởi cho lắm lúc Ngài lên ngôi Giáo Hoàng. Nhiều người cho Ngài là bảo thủ, cứng rắn và là cỗ xe tăng khó chuyển động.

Tuy nhiên khi là Giáo Hoàng, Ngài đã làm cho dân Đức đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cách hành xử, đối thoại hiền hòa và hơn hết Ngài biểu lộ rõ ràng là người mục tử hiền lành và chân thành yêu mến Giáo Hội. Ngoài ra Ngài đã gây được nhiều cảm tình nơi người Đức qua 2 cuộc thăm viếng cố hương vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 tại Koeln và trở lại thăm xứ sở Bayern vào tháng 9.2006. Với một trí tuệ thông minh sắc bén cũng như cách thức truyền đạt rõ ràng và thẳng thắn những ý tưởng của Ngài trong các buổi nói chuyện, các bài giảng huấn làm cho những làn sóng chống đối tại Đức đã dịu hẳn lại. Dịp Ngài mừng sinh nhật thứ 80 vào tháng 4.2007 hầu như ở Đức người ta chỉ đọc những lời ngợi khen từ đủ mọi giới khác nhau và từ các báo chí nhiều ký giả trở nên hâm mộ viết rất tích cực về Ngài. Một điều chứng minh cho thấy trong các buổi triều yết Đức Giáo Hoàng tại Rôma vào thứ tư hàng tuần thì khách hành hương người Đức lúc nào cũng tham dự đông hơn hết, họ đến để sống và nghe lời giảng dạy của người đồng hương Joseph Ratzinger, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI của họ.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

(Theo tạp chí http://www.cicero.de/)

Phái Ðoàn Ủy Ban Bác Ái thuộc Hội Ðồng Giám Mục Ý thăm Việt Nam.

Saigòn, Việt Nam (19/05/2007) - Từ ngày 14 đến 19/5/2007, phái đòan Ủy Ban Bác Ai của Hội Ðồng Giám Mục Ý gồm Bà Enrica Onarante, Phó Chủ Tịch, và giáo sư Gianni La Bella đã thăm viếng Giáo Hội Việt Nam nhằm tìm hiểu tình hình cụ thể tại chỗ để yểm trợ tài chánh cho những sáng kiến xã hội và nhân bản bằng tiền thuế chính phủ Ý dành cho Hội Ðồng Giám Mục với sự hợp tác giữa hai giáo hội, Ý và Việt Nam. (Trích fax của ÐÔ Piergiuseppe Vachelli, chủ tịch Ủy Ban, gửi cho Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Saigon ngày 10.4.2007).

Linh mục Giuse Ðinh Huy Hưởng, Trưởng Ban Mục Vụ Bác Ai Xã Hội Giáo Phận Saigon, đã đại diện Ðức Hồng Y đón đoàn tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 14.5.2007. Cha Trưởng Ban đã hướng dẫn đoàn thăm và làm việc với Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigon; Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội; Ðức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Hải Phòng. Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, vì bận công tác mục vụ không thể gặp đoàn được, nhưng Ngài đã nhờ cha Giuse Hưởng chuyển tới đoàn lời chào thăm trân trọng cùng với một số ý kiến về công việc bác ái từ thiện có thể thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cách riêng nơi các nữ tu. Tuy thời gian ở Việt Nam rầt hạn chế nhưng đoàn đã tranh thủ thăm một số cơ sở xã hội của Giáo Hội Công Giáo tại Saigon, Hà Nội và Hải Phòng. Ðâu đâu, đoàn cũng chú tâm lắng nghe tiếng nói của giáo quyền về hiện tình các họat động bác ái từ thiện và đề nghị những phương án trợ giúp để về lâu về dài khắc phục các khó khăn hầu làm cho đời sống của người dân Việt Nam nói chung và giáo dân Việt Nam nói riêng, mỗi ngày bớt chật vật trong sinh họat hàng ngày. Các lãnh vực được quan tâm giúp đỡ là xóa mù chữ, trường học, huấn luyện nhà đào tạo, các chuyên viên, hỗ trợ nhu cầu cho trẻ em, yểm trợ người nghèo, di dân, người bị gạt bên lề xã hội...

Một số dự án được đánh giá cao trong dịp thăm viếng lần này là: Trung Tâm Phục Sinh (Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS) của Saigon, nhà chăm sóc các chị em lỡ lầm, trẻ mồ côi, trẻ bụi đời, nhà dưỡng lão, nhà khuyết tật, lớp xóa mù chữ v.v... Tại Saigon, đoàn đến viếng Vương Cung Thánh Ðường, Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thăm Dinh Thống Nhất, Bảo Tàng Chứng tích Chiến Tranh; dự lễ tại nhà thờ Ðức Tin, Gò Vấp, nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhà thờ lớn Hà Nội...

Bà Trưởng Ðoàn Enrica Onorante rất vui mừng được chứng kiến tận mắt nét sinh động của người Việt Nam, cách giữ đạo sốt sắng của giáo dân Việt Nam. Hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tích cực đóng góp phần mình trong công tác y tế và giáo dục, mặc dù vẫn còn không ít hạn chế và khó khăn. Con người Việt Nam hiền hòa, hiếu khách. Phong cảnh Việt Nam tuyệt vời.

Trước khi đến Việt Nam, bà có tìm hiểu sơ qua về con người và đất nước Việt Nam, nhưng khi đến nơi mới biết thực tế khác xa điều tưởng nghĩ trước kia. Về phần mình, bà cho biết, sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ Việt Nam như đã giúp một số nước Á Châu: Myanmar, Ấn Ðộ, Kambodia, Laos...

Ðoàn đã rời Saigon lên đường về Roma tối 19/05/2007 sau khi đã có một cuộc du ngoạn thích thú tại vịnh Hạ Long. Hai vị tỏ ra có nhiều cảm tình với Việt Nam sau cuộc hành trình này. Ðây là lần đầu tiên thăm Việt Nam, trong tương lai, chắc sẽ còn nhiều cuộc viếng thăm khác nữa, nếu hoàn cảnh cho phép.

Nên biết, ngân sách của Hội Ðồng Giám Mục Ý là do lòng tin tưởng của nhân dân Ý cống hiến 8 phần ngàn thuế cho Hội Ðồng Giám Mục. Ít năm trước đây Hội Ðồng Giám Mục Ý cũng đã tài trợ một số dự án xã hội tại Việt Nam, rải rác từ Nam tới Bắc, tuy nhiên mới chỉ lẻ tẻ và rời rạc. Sau chuyến viếng thăm này, có khả năng nhiều dự án đáng giá sẽ được hỗ trợ thích đáng. Ðến nơi nào gặp được dự án khả thi, đoàn luôn thúc hối gửi đơn sang Roma ngay để được cứu xét càng sớm càng tốt. Ðoàn ao ước chương trình chống phá thai, bảo vệ sự sống được nhân rộng ở khắp các địa phận Việt Nam theo đúng chủ trương của Giáo Hội. Mong lắm thay!!

 

Ban Mục Vụ Bác Ái Giáo Phận Sàigòn

NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ MỸ THO :

 

MỘT TRĂM NĂM HỒNG ÂN

 

Sáng ngày 21 tháng 5 năm 2007, giáo xứ Chánh Toà Mỹ Tho long trọng tổ chức lễ Khai mạc năm Toàn xá nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ Chánh Toà và hoàn thành việc trùng tu (1907-2007). Trong dịp này, giáo xứ cũng mừng kỷ niệm 8 năm ngày tấn phong Giám mục Đức Cha Phaolô Bùi văn Đọc (1999 – 20/05 – 2007).

Hôm nay khuôn viên nhà thờ Chánh toà và Tòa Giám mục Mỹ Tho được trang hoàng lộng lẫy với những cờ, bong bóng màu sắc khác nhau, và các băng-rôn chào mừng. Từ sáng sớm, lúc 7 giờ 30, ban Tiếp tân và hàng rào danh dự của các em thiếu nhi Thánh thể giáo xứ Chánh toà hân hoan đón tiếp và chào mừng Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, Tu sĩ, Ân nhân và quý khách đến tham dự.

Thánh lễ khai mạc năm toàn xá

 

Thánh lễ tạ ơn và khai mạc năm thánh dưới sự chủ toạ của Đức Cha Phaolô - Giám mục giáo phận Mỹ tho, đoàn đồng tế có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Đức Cha Tôma Nguyễn văn Tân – Giám mục Vĩnh Long, các linh mục trong và ngoài giáo phận và các phó tế đang theo học tại Đại Chủng Viện Sài Gòn. Thánh lễ cũng qui tụ hơn 1500 người tham dự là các tu sĩ và các thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận để thể hiện tình hiệp thông và bày tỏ « lòng yêu mến và kính trọng đối với nhà thờ chánh toà ».[1] Chương trình gồm 3 phần: Hoạt cảnh Trăm Năm Hồng Ân, Thánh Lễ và Tiệc liên hoan.


1. Hoạt Cảnh Trăm Năm Hồng Ân


Mở đầu với diễn cảnh tử đạo của cha thánh Phêrô Nguyễn văn Lựu (1861) để « tưởng niệm » những chứng nhân đức tin đã sẵn sàng chịu tử đạo, để làm mới lại đời sống đức tin ăn sâu vào lịch sử hình thành của Giáo xứ Chánh toà Mỹ tho mà giáo dân hôm nay đang muốn sống đức tin cách sung mãn và lưu truyền cho con cháu mai sau. Hoa trái đức tin mà các thánh tử đạo, các vị thừa sai, các tu sĩ nam nữ cùng với những chứng nhân Phúc âm đã gieo trên mảnh đất Mỹ tho và đã làm cho Giáo hội tại Mỹ tho này ngày càng thêm phong phú. Tất cả những việc này đều được nuôi dưỡng và kín múc từ một nguồn là thập giá Đức Kitô do quý dì Dòng Mến Thánh Giá Tân An trình diễn. Tiếp đến phần trình bày những hình ảnh và khẩu hiệu của các vị chủ chăn của Giáo phận Mỹ tho là Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện (1960-1989) với khẩu hiệu « Phần rỗi trong Thánh Giá », Đức Cha An rê Nguyễn Văn Nam (1989-2005) - «Vui lên, hiệp thông vào cuộc khổ nạn Chúa Kitô », Đức Cha phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1993-1998) - « Như Thầy yêu thương » và Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc được bổ nhiệm Giám Mục Chánh Toà, ngày 20 tháng 05 năm 1999 với khẩu hiệu : « Chúa là nguồn vui của con ». Kết thúc với phần diễn nguyện của quý Soeurs dòng thánh Phaolô Mỹ tho với tựa đề : Trăm năm hồng ân – Làm nổi bật tâm tình tạ ơn vì những ân huệ trong quá khứ và hướng về tương lai với sứ vụ sống đạo và truyền giáo.


2. Thánh lễ


Nghi thức khai mạc Năm Toàn Xá và Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ 30 với đoàn rước từ Tòa Giám Mục đến trước cửa chính của nhà thờ Chánh toà để Đức Giám Mục Giáo Phận khai mạc năm thánh. Đoàn đồng tế tiến về cung thánh trong tiếng hát của bài ca nhập lễ với tâm tình hân hoan và cảm tạ Thiên Chúa. Tiếp đến, Cha Tồng Đại Diện Phêrô Hồ Bản Chánh đọc sắc lệnh của Bộ Xá Giải được Đức Thánh Cha uỷ thác, « ban phát rộng rãi Ơn Toàn Xá cho các Kitô hữu có lòng sám hối chân thật, với việc thực hiện các điều kiện thông thường về mặt nghi thức (xưng tội, rước lễ và thực hiện theo ý Đức Giáo Hoàng), tại ngôi nhà thờ Chánh Toà này ».[2]


Trong bài giảng, Đức Hồng Y giáo huấn cộng đoàn dân Chúa về bình an của Chúa Giêsu Phục sinh được cụ thể hoá trong đời sống gia đình và hoa trái của Chúa Thánh Thần trong giáo phận Mỹ tho trong dòng thời gian từ khi thành lập năm 1960 đến hôm nay. Sự bình an và yêu thương trong gia đình góp phần chữa lành và làm quân bình cho sự phát triển xã hội. Còn những dấu chỉ cụ thể của những hoạt động của Chúa Thánh Thần chính là sự gia tăng và lớn mạnh của hàng giáo sĩ, của các tu sĩ và giáo dân trong giáo phận.

Sau bài giảng, Đức Cha Phaolô làm phép 14 chặng đàng thánh giá bằng đá, đặt xung quanh nhà thờ và tượng thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu nơi tháp chuông. Thánh lễ kết thúc với phép lành ban ơn Toàn xá cho mọi người đang hiện diện có lòng ăn năn tội thật, có xưng tội và rước lễ. Mọi người tham dự ra về với lòng hân hoan và cảm tạ.

 

« Bởi vì Chúa nhân hậu,

 

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,


qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín» (Tv 100, 5).


3. Tiệc liên hoan


Tất cả những khách mời từ từ di chuyển và được mời vào những bàn tiệc đã được chuẩn bị trước. Ai ai cũng trầm trồ về bầu khí trang trọng, sốt sắng và nét đẹp của nhà thờ đã trùng tu và mở rộng. Ngồi bên nhau trong bàn tiệc liên hoan là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, trong tâm tình chia sẻ, lắng nghe, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Bầu khí càng vui vẻ và phấn khởi hơn với những tiếng hát của các ca sĩ Công giáo và những tiết mục múa của các cháu thiếu nhi và các bạn trẻ giáo xứ. Tất cả mọi người vui vẻ ra về mang theo lòng biết ơn của giáo xứ và niềm vui gặp gỡ trong bầu khí hiệp thông và chia sẻ.


Giáo xứ Chánh Toà Mỹ tho, ngày 20-05-2007

 

 


[1] Bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi văn Đọc, ngày 16 tháng 3 năm 2005.


[2] Sắc lệnh Ban ơn Toàn Xá, ký ngày 21 tháng 3 năm 2007.

 

GIÁO XỨ PHÚ LONG, GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

MỘT SỨC SỐNG MẠNH MẼ CỦA ĐỨC TIN

Hôm nay, thứ hai 21.5.2007, chúng tôi trở lại thăm giáo xứ thánh Giuse Phú Long hạt Phú Cường, giáo phận Phú Cường, nhân kỷ niệm tròn một năm cung hiến nhà thờ Phú Long (21.5.2006 – 21.5.2007). Thánh lễ đồng tế do cha Hạt Trưởng hạt Phú Cường Tôma Phan Minh Chánh chủ sự cùng một số linh mục lân cận, đã long trọng tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã đoái thương đến một giáo xứ dù non trẻ, vẫn thể hiện một sức sống đức tin mạnh mẽ. Theo lời kể của cha chính xứ Phú Long, chúng ta cùng nhìn lại suốt quá trình hình thành giáo xứ từ mấy chục năm qua, và những gì đang diễn ra trong hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy ngay sức sống mạnh mẽ của đức tin nơi cộng đoàn này:

1. Quá trình hình thành giáo xứ Phú Long.

Giáo xứ Phú Long nói chung, ngôi nhà thờ Phú Long nói riêng, được hình thành trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Năm 1970, giáo dân từ nhiều nơi về chợ Lái Thiêu buôn bán. Để đáp ứng nhu cầu về phượng tự của bà con tiểu thương Công giáo, cha Vincentê Trần Minh Khang, lúc đó là cha Chánh xứ giáo xứ Lái Thiêu, đã mua lại một rạp hát gần chợ Lái Thiêu và sửa chữa thành nhà nguyện để dâng thánh lễ Chúa nhật hàng tuần.

Đúng dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15.8.1974, nhà nguyện này được Đức cố Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên làm phép và nâng lên thành nhà thờ họ đạo Tân Thới mang thánh hiệu Giuse, trực thuộc giáo xứ Lái Thiêu. Do thời gian gần đây, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển về kinh tế. Họ đạo Tân Thới lại nằm trọn trên địa bàn kinh tế trọng điểm của huyện, bao gồm cả thị trấn Lái Thiêu, Vĩnh Phú, Bình Hòa, Đồng An phát triển mạnh cả về công nghiệp, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp, lẫn nông nghiệp. Khu vực họ đạo Tân Thới trở thành khu vực thu hút nhiều nhân sự. Vì thế, cùng với việc tăng vọt dân số, người Công giáo nhiều nơi cũng đổ về hoặc định cư, hoặc bán định cư, hoặc chỉ cư ngụ tạm thời theo từng giai đoạn lễ - tết trong năm để làm ăn sinh sống. Đặc biệt, các bạn trẻ đến từ nhiều miền đất nước đang làm công nhân tại các xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn của giáo xứ hoặc lân cận giáo xứ gần như là thành phần chủ chốt của giáo xứ Phú Long hiện nay. Vì sự lớn mạnh như thế, sau 30 năm thành lập, ngày 17.6.2005, họ đạo Tân Thới được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường nâng lên hàng giáo xứ và đổi tên thành giáo xứ Phú Long.

Ngôi nhà thờ Tân Thới trước đây đã trở nên chật chội và xuống cấp. Hơn nữa, nhà thờ ở gần chợ Lái Thiêu và bị lấn chiếm nhiều, vì thế quá ồn ào và không còn khuôn viên riêng để sinh hoạt đạo đức. Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ đã cho dời nhà thờ Phú Long về Trung Tâm Hưu Dưỡng của các linh mục giáo phận Phú Cường, trước đây là trung tâm Bác Ái Lái Thiêu, và giao cho Cha Hạt Trưởng hạt Phú Cường Tôma Phan Minh Chánh, đang làm chánh xứ giáo xứ Lái Thiêu lo việc xây cất nhà thờ Phú Long. Ngày 21.5.2006, chính Đức Cha Phêrô đã chủ sự thánh lễ khánh thành và thánh hiến nhà thờ, thánh hiến bàn thờ mới. Như vậy, mảnh đất mà nhà thờ Phú Long đang tọa lạc, đã từng mang những sứ mạng lớn: Trung tâm bác ái, Trung tâm nghỉ dưỡng và bây giờ là trung tâm tế tự và thờ phượng của mọi tầng lớp giáo dân trong và ngoài giáo xứ Phú Long.

2. Những gì đang diễn ra.

Chính nhờ sức sống mạnh mẽ của đức tin, mà một năm qua, kể từ ngày nhà thờ được cung hiến,  nơi cộng đoàn dân Chúa Phú Long đã có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực. Bằng chứng là, dù thánh lễ tạ ơn kỷ niệm cung hiến nhà thờ được cử hành sớm, mới 5 giờ sáng, nhà thờ vẫn đông đảo giáo dân. Còn nhiều những bằng chứng khác cho thấy sự biến đổi nơi cộng đoàn này như: Hơn ba tháng sau ngày cung hiến nhà thờ, ngày 29.8.2006, cộng đoàn Phú Long lần đầu tiên hân hạnh tiếp đón cha xứ Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng, một linh mục trẻ trung, về làm chánh xứ tiên khởi. Cha GB Hùng cho chúng tôi biết thêm: Do giáo xứ còn mới mẻ, vì thế, ngoài nhà thờ là nơi khang trang nhất dành cho việc phụng tự, vẫn còn rất nhiều thiếu thốn từ nhân sự đến cơ sở vật chất, từ trong đến ngoài nhà thờ, từ sân bãi đến đường vào nhà thờ, từ những ao vũng dơ bẩn đến những rào dậu, Từ phòng học giáo lý đến nhà vệ sinh… tất cả đều phải bắt đầu gầy dựng, tôn tạo. Chính nhờ lòng tin mạnh mẽ của mọi thành phần dân Chúa mà tám tháng qua, kể từ khi cha GB Nguyễn Minh Hùng Hùng về đến nay, từng anh chị em giáo dân, từng gia đình, nhất là những thành viên nồng cốt trong Ban Đại diện giáo xứ đã không ngừng chung tay xây dựng giáo xứ như:

a. Về mặt tinh thần, bắt đầu tháng 10.2006, cha GB Hùng cùng các trưởng, phó của các xóm đạo đi thăm và khích lệ việc sống đạo nơi các gia đình trong giáo xứ. Giáo xứ cũng bắt đầu gầy dựng lại các khối giáo lý từ căn bản đến nâng cao như giáo lý cho giáo lý viên, giáo lý cho người lớn, giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân. Giáo xứ tuyển lựa thêm giáo lý viên, động viên những cộng đoàn dòng tu lân cận giúp đỡ trong việc hướng dẫn giáo lý và những công tác khác. Vì số giáo dân càng ngày càng tăng, kể từ thánh 11.2006, mỗi ngày Chúa nhật, giáo xứ phải tổ chức đến ba thánh lễ (không tính lễ chiều thứ bảy). Đặc biệt thánh lễ lúc 19 giờ 30 tối Chúa nhật hàng tuần được mệnh danh “thánh lễ công nhân”, là thánh lễ đáp ứng nhu cầu về giờ giấc cho nhiều anh chị em buôn bán về trễ, nhất là các bạn trẻ tang ca trễ… Đầu tháng 12.2006, đại diện toàn thể giáo xứ, Cha GB Hùng đã gởi đến mọi thành phần dân Chúa lá thư ngỏ đầu tiên, mời gọi tất cả mọi người hãy sống đức tin, hãy cầu nguyện nhiều hơn nữa, hãy luôn nhắc nhở nhau chu toàn việc sống đạo, hãy đoàn kết trong tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng giáo xứ.

Ngày 9.1.2007, giáo xứ đã long trọng cử hành ngày truyền thống đầu tiên của giáo xứ. Giáo xứ không ngừng kêu gọi đọc kinh chung trong gia đình, nhất là khích lệ việc đọc kinh, lần chuỗi liên gia đình trong cùng xóm đạo. Mỗi tháng giáo xứ phân phát rộng rãi tài liệu suy niệm Lời Chúa do Tòa Giám mục Phú Cường phổ biến. Một số hội đoàn, ca đoàn có dấu hiệu tan rã, hoặc thiếu người lãnh đạo, giáo xứ lo củng cố và gầy dựng lại. Hiện nay giáo xứ có ba ca đoàn, ba hội đoàn vẫn đều đặn sinh hoạt. Giáo xứ tổ chức chầu Thánh Thể mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi Chúa nhật đầu tháng. Giáo xứ tiếp tục giữ lại truyền thống dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Phatima vào lúc 12 giờ trưa mỗi ngày 13 trong các tháng. Trong thời gian qua, nhất là vào các mùa đặc biệt như mùa Vọng, mùa Chay, giáo xứ liên tục phát động phong trào sống bác ái và xây nhà tình thương… Giáo xứ đã nhiều lần tổ chức kiệu Đức Mẹ, kiệu thánh giá, hát thánh ca, cung nghinh Tượng Chúa là Vua, cung nghinh xương thánh Tử Đạo, dâng hoa, tĩnh tâm, liên tục kêu gọi xưng tội rước lễ, tham dự thánh lễ. Giáo xứ cũng đã “gở rối” cho nhiều cặp vợ chồng khác tôn giáo. Một số anh chị em còn thờ ơ với việc giữ đạo được giáo xứ khuyên bảo và nâng đỡ đức tin bằng những lời động viên khích lệ… Hàng tháng giáo xứ đến nhà thăm và trao Mình Chúa cho những người già, người đau bệnh. Nếu gia đình nào trong giáo xứ gặp phải những mất mát, khó khăn, giáo xứ quan tâm chia sẻ và động viên. Giáo xứ thường xuyên kêu gọi anh chị em giáo dân viếng Thánh Thể, viếng đài Đức Mẹ, đài thánh Giuse…

2. Về vật chất, Trong tám tháng qua, do chính anh chị em trong giáo xứ tự nguyện, hoặc do một số bạn trẻ công nhân đang làm việc và sinh sống trên địa bàn giáo xứ, cũng như nhiều anh chị em thuộc các giáo xứ lân cận như Tân Quy (thuộc giáo phận Sài Gòn), Lái Thiêu, Bình Hòa, Búng giúp đỡ vật chất, và dâng công mỗi tuần, mà ngày 20.10.2006, giáo xứ đã làm hàng rào để giữ lại phần đất ở phía đầu nhà thờ. Tháng 11.2006, giáo xứ phát động phong trào trồng cây, đã trồng một số cây xanh lớn nhỏ xung quanh nhà thờ. Cùng thời gian này, giáo xứ sửa lại hai phòng của nhà hưu và hai phòng của nhà kho thuộc nhà hưu đã xuống cấp trầm trọng thành phòng học giáo lý. Giáo xứ đã làm phép và khánh thành đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8.12.2006. Ngày 21.2.2007, dịp lễ Tro, giáo xứ khánh thành đài Thánh Giá. Một tháng sau, ngày 19.3.2007, giáo xứ khánh thành đài thánh Giuse và đặt tượng thánh Giuse Thợ, bổn mạng nhà thờ lên tháp nhà thờ Phú Long. Ngay trong thời điểm giáo xứ kỷ niệm một năm ngày cung hiến nhà thờ, giáo xứ Phú Long vừa mới di dời tượng thiên thần Micae trong khuôn viên nhà hưu ra phía công viên nhà thờ, được coi là nơi xứng đáng hơn. Công viên nhà thờ, nằm ngay trục ngã ba, ngay phía đầu đường đi vào nhà thờ Phú Long cũng vừa hoàn thành khoảng 80 %. Trong tám tháng qua, giáo xứ cũng từng bước làm lại cổng nhà thờ, vì cổng dũ đã bị sập, lắp đặt đường dẫn nước để tưới cây, lắp đặt nhiều đèn trang trí và đèn chiếu sáng từ bên trong, lẫn bên ngoài nhà thờ…

Để kết thúc những gì vừa mới chia sẻ với chúng tôi, cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng đã nói trong sự xác tín thật cảm động: “Chúng tôi không thể nói hết lòng Chúa yêu thương chúng tôi. Chúa đã làm những phép lạ cả thể trên giáo xứ này. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi, với một giáo xứ mà nhân sự hiếm hoi, lần đầu tiên mới có cha sở, với bốn triệu đồng trong tay trong ngày khởi công làm việc, chỉ trong vòng tám tháng, đã có được tất cả những gì mà anh đang nghe và thấy. Hình như giáo xứ càng nghèo, tình thương của Chúa và của mỗi người trong giáo xứ càng giàu.  Lời cảm tạ mà hôm nay chúng tôi dâng lên Chúa là lời cảm tạ bằng tất cả niềm tín thác của chúng tôi trong tay Chúa. Chúng tôi tin vững vàng rằng, tất cả là hồng ân”.

Dâng thánh lễ trọng thể tạ ơn Thiên Chúa nhân kỷ niệm tròn một năm nhà thờ thánh Giuse Phú Long. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy tiềm năng của một giáo xứ rồng bay vừa sinh động, vừa dồi dào về vật chất mà sự phát triển kinh tế ưu đãi, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi nhìn thấy sức mạnh và sự sống của đức tin, của lòng yêu mến Chúa vốn đã mãnh liệt, sẽ còn vươn lên và  vươn lên khỏe khoắn.

VŨ PHƯƠNG BẰNG

TẢN MẠN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

 

Từ 4 năm nay, sau đại lễ Phục Sinh, cha Hạt Trưởng Hạt Thanh Đa, Sài Gòn tổ chức các chuyến du lịch tham quan nước ngoài cho các cha. Tôi cùng với các linh mục thuộc nhiều giáo phận tham gia, mỗi đợt có 20-25 vị. Đây là thời gian để thư giãn sau Mùa Chay và Tuần Thánh bề bộn công việc mục vụ, vừa là dịp tham quan, vừa là cơ hội để hiểu biết thêm về lịch sử, văn hoá, tôn giáo của các nước khác. Đến Thái lan, Singapore, Malaysia, Trung quốc, thấy mỗi nơi mỗi vẻ đẹp khác nhau về phong cảnh về con người, về lịch sử, mỗi Dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng biệt.

 

Năm nay chúng tôi đi Campuchia. Đất nước có nhiều di tích lịch sử. Đền Angkor Wat (Đền Đế Thiên Đế Thích) là một trong bảy kỳ quan thế giới, Chùa Vàng Chùa Bạc của Hoàng Cung, Trại tù và Cánh đồng chết mang đậm nét thời Khmer Đỏ diệt chủng.

 

Từ Sài gòn chúng tôi đi xe Buyt của Công ty Sapaco Tourish, đến Cửa khẩu Mộc Bài làm thủ tục xuất nhập cảnh. Đường Sài gòn đến Phnôm-Pênh chỉ 240km, nhưng xe chạy mất 8 giờ vì đại lộ Xuyên Á đang thi công.

 

Vương quốc Campuchia nằm ở bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á. Vùng giữa của Campuchia là các cánh đồng màu mỡ trong thung lũng sông Mêkông. Các đồng bằng này bao bọc hồ Tônglêsap (Hồ lớn). Chếch về phía bắc và phía đông là các cao nguyên có các cánh rừng và thảo nguyên. Vùng núi phía nam có đỉnh Phơnum Aoran cao nhất nước (1813m). Cao Miên có diện tích 181.035km2, dân số 14 triệu người, có 19 dân tộc, 24 tỉnh và 4 thành phố, 2 sân bay quốc tế ở Phnôm Pênh và Siem Reap. Campuchia được gọi là đất nước Chùa Tháp vì có 20.000 ngồi Chùa khắp cả nước và Chùa nào cũng có ngọn tháp cao vút, 95% dân số theo đạo Phật. 

 

Xe chạy 7 giờ qua 315km từ Phnôm Pênh mới đến Siem Reap vì đường hơi hẹp. Ăn trưa tại Kompon Cham, quê hương của Pônpôt, Anh KimSen hướng dẫn viên cho biết, công ty du lịch dự định làm lại căn nhà sàn Pôn Pôt ở thành nơi tham quan để khách du lịch biết thêm về tiểu sử tên đầu sỏ của chế độ diệt chủng tàn bạo.

 

Chúng tôi đi tham quan Biển Hồ mênh mông nước. Đây là vựa cá của Campuchia. Hàng ngàn gia đình sống trên Biển Hồ. Ánh nắng chiều hắt trên biển lung linh soi bóng những căn nhà nổi lênh đênh. Từ xa chúng tôi bóng cây thập giá vươn cao. Ghé thăm Nhà thờ như chiếc tàu bồng bềnh trên nước. Một chị giáo lý viên đang dạy giáo lý thiếu nhi. Chị vui mừng khi biết có đoàn 25 cha từ Sài gòn ghé thăm. Vợ chồng Chị là dân Sài gòn đến đây phụ giúp công việc truyền giáo cho người Việt lẫn người Khmer. Chị cho biết, trên Biển hồ có 1.000 gia đình Người Việt sinh sống, trong đó có 14 gia đình công giáo. Mỗi tuần có cha người Philippin từ Siem Reap đến dâng lễ Chúa nhật. Cuộc sống của dân Biển Hồ thật lam lũ chật vật. Trẻ con đi học trên xuồng nhỏ, trường lớp cũng là những chiếc thuyền nổi bập bềnh trên biển nước. Chia tay với họ mà thấy lòng bùi ngùi cho thân phận long đong của xóm dân nghèo Biển hồ.

 

Trở về thành phố Siem Reap chúng tôi thăm thêm một Nhà thờ khác. Đèn đường phố mờ nhạt, vì đất nước Campuchia không có thuỷ điện, chỉ sử dụng nhiệt điện nên mọi người đều tiết kiệm điện. Nhà thờ Siem Reap có cộng đoàn Nữ Tu Dòng Lasan từ Việt nam đến phục vụ. Các linh mục Dòng Tên phụ trách nhiều điểm truyền giáo. Cha Heri Bratasudarma S.J người Inđônêxia, cha Lee Kyung-Yong S.J người Hàn quốc, cha Manoj Kumar Ekka S.J người Ấn độ thay nhau dâng lễ. Nhà thờ không có ghế quỳ, mọi người dự lễ đều ngồi theo tư thế các tín đồ lễ Phật, bàn thờ dâng lễ thấp, chủ tế ngồi dâng lễ.

 

Về nghĩ đêm trong khách sạn 5 sao, với tiện nghi như các khách sạn quốc tế. Khách sạn vài sao và ngân hàng quốc tế thật nhiều trong thành phố Siem Reap.

 

Angkor Thom và Angkor Wat.

 

Hôm sau chúng tôi tham quan hai công trình lịch sử độc đáo.

 

Angkor Wat là ngôi đền và Angkor Thom,vốn là hòang thành của các triều đại xưa của người Khmer.  Ang, nghĩa là người tu hành, Kor nghĩa là đất nước. Angkor là đất nước những người tu hành.

 

Nằm ở Tây Bắc Campuchia, Angkor, thủ đô của Đế quốc Khmer cổ đại có khả năng được lập vào khỏang thế kỷ thứ 9 sau CN bởi nhà vua Jayavarman II. Dù vậy, thành phố chỉ đạt đến đỉnh vinh quang vào thế kỷ 12 dưới triều các Vua Suryavarman II và Jayavarman VII. Công trình đẹp nhất và nổi tiếng nhất trong thành phố, ĐỀN ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH, nằm cách Hoàng thành Angkor Thom do Vua Jayavarman sáng lập khỏang 1 cây số về hướng nam.

 

Angkor Thom với 12km chu vi, rộng mênh mông (Thom có nghĩa là lớn), là một quần thể kiến trúc độc đáo được xây dựng bằng đá chồng lên nhau không có ximăng gắn kết. Có 5 cổng thành (chiến thắng, chào mừng, ma quỷ, thiệt hại và tướng quân). Từ cổng chính dẫn vào có 2 con rồng bằng đá khổng lồ dẫn vào bên trong, bên phải có các thiên thần ôm mình rồng, bên trái có ma quỹ cũng ôm mình rồng. Cả hai đang tranh giành nước trường sinh theo truyền thuyết Đạo Hinđu. Với 39 bậc dẫn lên thiên đàng. Từ đó Nữ thần Apsara xuất hiện ban nước bất tử làm nên một huyền thoại tuyệt đẹp và là niềm tự hào trong tâm tư mỗi thế hệ dân chúng. Apsara trở thành biểu tượng cho cái đẹp cái thiện của dân Cao Miên. Có nhiều con rồng bằng đá đặt được khắp nơi. Rồng 3 đầu chỉ tam bảo, rồng 5 đầu chỉ ngũ giới, Rồng 7 đầu chỉ 7 ngày trong tuần, rồng 9 đầu chỉ bát chánh đạo. Đền Tapromh, nơi Hollywood chọn làm bối cảnh quay bộ phim “bí mật ngôi mộ cổ” với rừng cây Knia và cây Tùng có những bộ rễ bao phủ xuống những tường thành đá rêu phong cổ kính.

 

Đền Angkor Wat được dâng hiến cho Thần Hinđu VISNHU bởi nhà vua Suryavarman, trị vì giữa những năm 1131 và 1150 sau CN. Đền được xây trong một thời gian trên 30 năm và điển hình cho một số trong các mẫu hình đẹp nhất của nghệ thuật Khmer và Hinđu (Ấn Độ cổ).

 

Trải dài trên một bề mặt khoảng 81 hecta (8.100 m2), khu công trình liên hợp gồm có 5 tháp (ngày nay ta thấy nêu trên cờ tổ quốc của Campuchia). Những ngọn tháp nầy được cho là tượng trưng năm đỉnh của núi MERU, nơi ở của các Vị Thần và Trung Tâm của Thế giới Hinđu. Angkor Wat làm nổi bật bức phù điêu liên tục dài nhất thế giới,chạy dài bên ngòai các bức tường hành lang, thuật lại những câu truyện về Thần thọai Hinđu.

 

Đây là công trĩnh vĩ đại, làm bằng đá xếp lên nhau với 3 tầng, sức người đưa từng tảng đá từ xa đến, kỷ thuật ghép đá, nghệ thuật chạm trổ nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân đương thời nên họ coi đây là công việc của Thượng đế. Vì thế, Angkor wat còn có tên là Đế Thiên Đế Thích. Với sự tàn lụi của Đế quốc Khmer cổ, Angkor Wat được biến thành một ngôi đền Phật giáo và liên tục được duy trì, chính điều ấy đã giúp bảo quản nó. Vào năm 1992,Ủy Ban Di Sản Thế Giới của UNESCO đã công bố công trình này cùng vời toàn bộ thành phố Angkor là di sản văn hoá thế giới.

 

Nhà tù Tuolsling

 

Chia tay kỳ quan thế giới với sự ngưỡng mộ công trình người xưa, chúng tôi trở về Phnôm Pênh tham quan trại tù Pôn Pôt nổi tiếng một thời.

 

Từ năm 1975-1979, đảng Khmer Đỏ thống trị đất nước. Họ đã đẩy dân tộc mình đến chỗ diệt vong. Dân số Campuchia bấy giở chỉ 7,5 triệu người, thế mà chỉ 4 năm đã bị giết chết 2 triệu người. Có 167 nhà tù khắp cả nước. Nhà tù Tuolsling tại Phnôm Pênh trưng bày tội ác dã man của chế độ diệt chủng. Nơi đây là trường học, nhưng bọn Pôn Pôt  đã biến thành ngục tù. Tham quan 3 dãy lầu đầy chứng tích một thời đau thương. Các thành phần trí thức bị giết trước, rồi các chức sắc tôn giáo cùng số phận, vì Khmer Đỏ chủ trương một xã hội không tôn giáo không giai cấp. Nghe hướng dẫn viên kể, chúng tôi sởn da gà, rùng mình kinh hải về những thủ đoạn dã man tra tấn giết người, trẻ con sáu bảy tuổi cũng bị tù và bị giết. Bị hành hạ, bị xét xử ở đây xong, các tù nhân được đưa ra cánh đồng chết cách thủ đô 15km. Nơi đây có hơn 15.000 người chết trong 343 hố chôn người tập thể. Mỗi hố có hơn 19.440 người. Dụng cụ giết người là cán cuốc, cán xẻng, dao mác dùng đập đầu hay chém đứt cổ. Nhiều tượng bằng thạch cao của Pôn Pôt bị khách tham quan khạc nhổ chà đạp phí báng, nên người ta phải làm rọ sắt trùm lên đầu.

 

Theo lịch sử Campuchia, năm 1970 cuộc đảo chính quân sự của phái thân Mỹ đã lật đổ Quốc trưởng Nôđôrôm Sihanúc. Chế độ quân sự mới đã bị du kích Khmer Đỏ tấn công đánh bại. Khmer Đỏ là những người muốn xây dựng một chế độ xã hội và chính trị không tưởng, tự cung tự cấp, làm việc tập thể, đám cưới tập thể. Khmer Đỏ chiến thắng và thống trị đất nước từ năm 1975. Dưới thời Pôn Pôt, Khmer Đỏ đã cưỡng ép dân thị thành về nông thôn và tàn sát tới 2 triệu đồng bào của mình. Thành phố Phnôm Pênh thời ấy không một bóng người, xác xơ hoang tàn. Khmer Đỏ còn tấn công sang lãnh thổ Việt nam ở các vùng biên giới sát hại dân lành. Năm 1978, theo yêu cầu của Mặt trận cứu nước Campuchia, Việt nam đã đưa quân vào lật đổ Khmer Đỏ. Sau khi quân đội Việt nam rút vào năm 1989, các lực lượng chính phủ liên minh lưu vong quay trở về. Tháng 8 năm 1991, các phe phái tham chiến đã thoả thuận một kế hoạch hoà bình bao gồm cả việc tổ chức một cuộc bầu cử, việc giám sát của Liên hợp quốc và việc cắt giảm các lực lượng vũ trang của Campuchia. Lực lượng duy trì hoà bình của Liên hợp quốc đã được triển khai ở Campuchia vào năm 1992 và việc tham gia của Liên hợp quốc vào việc giám sát đất nước này đã được thoả thuận.

 

Cuộc bầu cử tự do lần thứ hai tiến hành ngày 26 tháng 7 năm 1998, có 39 đảng tham gia, với 6.548 quan sát viên quốc tế và 60.000 quan sát viên trong nước. Kết quả đã bầu ra được 122 đại biểu, 3 đảng đã tham gia quốc hội. Đảng Nhân Dân Campuchia chiếm 66 ghế, Đảng Bảo Hoàng Funcinpéc chiếm 44 ghế và Đảng Samrenxi chiếm 12 ghế. Bị thất bại trong cuộc bầu cử, hai đảng Bảo hoàng của Hoàng tử Ranarit và Samrenxi, lúc đầu tẩy chay kết quả cuộc bầu cử, sau thấy không thể đi ngược ý nguyện của nhân dân nên đã buộc phải tham gia chính phủ Liên hợp với Đảng Nhân Dân của Thủ tướng Hunsen. Và cuộc họp đầu tiên của Quốc hội đa đảng đã được tiến hành vào ngày 24 tháng 9 năm 1998 tại thành phố Siem Reap.

 

Kể từ đó, Campuchia theo chế độ đa nguyên đa đảng, dân chủ tự do. Vương quốc có Vua sống trong hoàng cung không tham gia việc chính trị. Nhờ theo chế độ dân chủ tự do và được sự tài trợ của Liên hợp quốc nên đất nước này được hồi sinh và phát triển rất nhanh. Từ hoang tàn đổ nát của thời diệt chủng, Campuchia đã và đang đô thị hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhờ sự góp phần của khoàng 2 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, Campuchia được tiếp sức để vươn lên ngang tầm các nước trong khu vực.

 

Chùa Vàng - Chùa Bạc.

 

Ngày cuối, chúng tôi tham quan Hoàng cung, nơi hoàng gia sống và làm việc. Những quần thể kiến trúc tuyệt đẹp vẫn được giữ gìn dưới thời Khmer Đỏ. Điều đó thật lạ lùng. Kính trọng hoàng gia, hoàng cung là nơi linh thiêng đã ăn sâu vào tâm linh dân chúng. Cung điện lộng lẫy với ngai vua bằng vàng ròng, vương miện của vua bằng vàng đính kim cương. Sàrông của hoàng hậu lấp lánh hàng ngàn viên kim vương. Nơi đây hàng ngày Vua tiếp các lãnh tụ các quốc gia, các chính khách vương hầu công tước. Chùa bạc là nơi hoàng gia lễ Phật. Trong chùa có bức tượng Phật nặng 90kg bằng vàng ròng với 2.086 viên kim cương trang trí, nền nhà đựơc lát toàn bằng bạc nên người ta gọi là Chùa Vàng Chùa Bạc, có rất nhiều cổ vật quý giá bằng vàng, đồng đen, ngọc lục bảo, đá saphia, kim cương được bày biện để nói về chứng tích những giai đoạn lịch sử dân tộc.

 

Đất nước Chùa Tháp không có những danh lam thắng cảnh trời ban như Việt nam, nhưng họ lại có những công trình vĩ đại do tổ tiên để lại. Họ biết khai thác kỹ nghệ du lịch nên khách thập phương đến tham quan ngày càng đông.

 

Campuchia là một đất nước tự do, thanh bình, cuộc sống nhẹ nhàng, con người hiền hoà chân thật. Đoạn đường từ Mộc Bài đến Siem Reap dài 500km mà tôi chẳng thấy bóng dáng cảnh sát giao thông nào. Xe khách, xe hơi, xe honda muốn chở bao nhiêu cũng được, thế mà rất ít tai nạn giao thông. Thủ đô Phnôm Pênh và Thành phố Siem Reap, quá nhiều xe hơi đời mới hiệu Camry, Lexus. 6 giờ sáng ngoài đường phố chẳng có ai. Dân chúng đi làm lúc 8 giờ. Ban tối các cửa hiệu đóng cửa sớm lúc 7 giờ chỉ trừ các quán ăn. Xe hơi, xe honda để ngoài đường suốt đêm mà chẳng mất cái kính nào.

 

Trải dài hơn 500 km quốc lộ đã đi qua, tôi thấy hai bên đường bạt ngàn đất đai không canh tác. Nông dân chỉ trồng lúa một vụ lúa sáu tháng mùa mưa. Họ chẳng cần chuyển đối cơ cấu cây trồng, chẳng cần tăng năng suất. Lương thực đủ sống, không bon chen, không ồn ào tranh dành. Cuộc sống của dân chúng thật êm ả nhẹ nhàng.

 

Những ngày tham quan Campuchia đã để trong tôi nhiều thao thức. Đặc biệt là công cuộc truyền giáo trên miền đất Chùa Tháp này. Con người hiền hoà, có chiều sâu tâm linh rất dễ đón nhận Tin mừng. Có lẽ đó cũng là cánh đồng truyền giáo bao la cho Giáo hội Việt nam trong tương lai.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

TÌM HIỂU – SỐNG ĐẠO

 

NẾU CUỘC ĐỜI VẮNG BÓNG THÁNH LINH

 

“Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh,

Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách…”

 

Đó là lời của Đức Athenagoras, Giáo chủ thành Constantinople thuộc Giáo hội Đông Phương. Đây là lời xác tín hết sức mạnh mẽ của một tín hữu lảo thành suốt đời tin vào Đức Kitô, và tin vào sự hiệp nhất của các Giáo hội Kitô giáo trong Chúa Thánh Thần. Đây cũng là một lời cảm tạ hết sức chân thành và thiết tha thốt ra tự đáy lòng của vị Thượng phụ Giáo chủ này.

 

Thực vậy, nếu Chúa Thánh Thần không đến, thì hôm nay thế gian vẫn chỉ là một vùng hổn mang u tịch mà bóng tối sự chết vẫn bao trùm trên khắp nẻo và trên tất cả mọi người, cho dù văn minh cơ khí điện tử có đưa được con người lên đến chín từng cao xanh.

 

Bất cứ ai ở trần gian này mà gặp được Đức Giêsu Kitô, đó là phúc lộc bởi ân huệ Chúa Thánh Thần. Một người có đạo Chúa Kitô, muốn tận hưởng sự an vui hạnh phúc của mình trong bất cứ tình huống nào, thì cũng phải đầy Thánh Thần. Nếu không đời mình cũng chán, cũng khổ, cũng kêu ca than vãn, giống như những người không phải Kitô hữu. Cộng đoàn, giáo xứ nào mà sống gắn bó, liên kết được với nhau là nhờ cộng đoàn ấy, giáo xứ ấy biết bám chặt vào Đức Kitô. Nếu không thì cũng bất hòa, chia rẽ, tranh cãi hơn thua, bè phái giống như bất cứ nhóm người nào khác giữa thế gian không biết Thiên Chúa. Có khi còn tệ hơn họ nữa!

 

Suy niệm về Chúa Thánh Thần là một điều bất khả đối với trí tuệ loài người. Kinh Thánh nói: “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2,11). Mà Chúa Thánh Thần lại Thần Khí của Thiên Chúa, ngài ở trong Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa. Vì vậy, biết và nhận lãnh Thánh Thần, là một ơn huệ Chúa ban, không phải do sự tìm tòi khám phá, hay đức độ của con người thế gian. Đức Giêsu nói: “Thần Khí sự thật, thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (Ga 14,17). Khi cắt nghĩa cho ông Nicôđêmô về Thánh Thần, Đức Giêsu nói: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3,8a).

 

Thế gian tự nó bất lực, không thấy, không biết và cũng không thể nhận lãnh Thánh Thần. Chúng ta cũng vậy, tự mình không thể lãnh nhận được Thần Khí. Nhưng chúng ta đã chịu lấy Thánh Thần, đó là do tình thương của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô.

 

Môn đồ Giuđa, sau gọi là thánh Tađêô (ông này không phải là Giuđa bán Chúa) đã phải ngỡ ngàng vì ân huệ này. Tại sao Chúa Giêsu xin ban Thánh Thần cho các ông mà không ban cho thế gian. Ong thưa cùng Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (Ga 14,22).

 

Ơ đời, cái gì cho đi mà có điều kiện khó khăn, thì cái đó mới quý, mới lớn, mới được trân trọng, mặc dù đôi khi thực chất nó chẳng có giá trị gì mấy! Mua hàng hiệu phải là hàng “giá trên trời”. Nếu “giá” mềm quá khách hàng đâm nghi ngờ là hàng “dỏm”. Dù thực tế cho thấy chưa chắc hàng đắt tiền đã là hàng tốt thật. Vì người ta vẫn thường nghĩ rằng đời này làm gì có của “cho không biếu không”. Thế nào cũng phải “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mới hợp lý chứ?

 

Chúa Thánh Thần là ơn huệ vô cùng lớn lao không hề có ở trần gian này. Thế gian có được Ngày là do máu từ trong trái tim yêu thương của con Thiên Chúa chảy ra. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống, Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận (Ga 7,37-39). Nhưng vì Thiên Chúa cho không, không có điều kiện gì cả, lại còn năn nỉ để cho người ta nhận: “Hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi điều Cha đã hứa… Anh em sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần”. Có lẽ chính vì thế mà chúng ta coi thường ân huệ Thánh Thần “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Người ta thích đi đền thánh này ngôi mộ kia để cầu khấn lễ lạc, không thấy mấy người đến cầu khấn Thánh Thần. Phần đông thì thờ ơ, không quan tâm, không biết cảm tạ. Bởi vì hôm nay chúng ta đã đánh mất cái ngỡ ngàng sửng sốt của Hội thánh tiên khởi thời các Tông đồ, như thánh Tôma, thánh Phêrô, cho nên quyền phép Chúa Thánh Thần khó mà thi thố cho chúng ta.

 

Thời đại này, người ta tin ở tài khéo của con người, ở khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Cho rằng “bàn tay ta làm nên tất cả”. Thậm chí còn dám “nghiêng đồng đổ nước thay trời làm mưa”. Người ta tin ở vàng bạc đôla hơn là tin ở quyền năng vô biên của Chúa Thánh Thần. Sau khi Đức Kitô về trời, Hội thánh vỏn vẹn chỉ có mười hai Tông đồ, với hai bàn tay trắng và một vốn kiến thức không đáng gì, nhưng các ông đã ra đi trong lòng tin vào Chúa Thánh Thần. Chưa đầy ba mươi năm, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã lan từ Giêrusalem qua Hy Lạp, Thổ Nhỉ Kỳ, suốt Địa Trung Hải tới Rôma, tiến sang phía Đông, đến Tây Ban Nha, dừng lại ở ven bờ Đại Tây Dương vì biển động ngăn các ông không đi được nữa. Thật là “mút cùng trái đất!”. Ngày hôm nay Hội thánh phải mất hàng chục năm mới đào tạo một linh mục. Ngày đó đi đến đâu, “trong mỗi Hội thánh các ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, các ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin” (Cv 14,23), vì các Tông đồ tin rằng: chính Thiên Chúa đã mở cửa đức tin cho dân ngoại, chớ không phải các ông.

 

Hội thánh Chúa Kitô còn đứng vững đến ngày nay, còn chói lọi ánh sáng giữa thế gian cứu độ, giữa thế gian đầy lo âu bất trắc, là nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần xuất phát từ nơi trái tim Đức Giêsu trên thập giá. Chớ không phải Hội thánh đứng vững được là do có nhiều vị Giáo Hoàng giỏi giang thông thái, nhiều vị linh mục đỗ đạt, nhiều tu sĩ có bằng cấp cao, nhiều thánh đường tu viện đồ sộ nguy nga lộng lẫy. Đọc sách Tông đồ Công vụ chúng ta thấy Hội thánh Chúa Kitô xuất phát từ những con người “không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân” nhưng quyền lực thì vô biên “đã làm một dấu lạ rành rành: đìều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem, không thể chối cãi được”, bởi Thánh Thần Chúa Kitô phục sinh được ban xuống cho họ (Cv 4,13-17).

Ngày nay các nghi thức phụng vụ thì nhiều và rất tôn nghiêm long trọng, mục đích để làm phương thế đưa tâm hồn người ta đến gặp Đấng Phục Sinh. Nhưng thường thì người ta thích dừng lại ở nghi thức bên ngoài, nên dễ sinh ra sự ganh đua hơn kém (cộng đoàn với cộng đoàn, cá nhân với cá nhân), vô tình đã hạ giá các Bí tích của Chúa Kitô xuống ngang hàng với nghi thức.

 

Giáo chủ Athenagoras, khi nhìn thấy hiện tượng này nơi Giáo hội Chính thống đã phải lớn tiếng khuyến cáo các tín hữu của mình bằng những lời lẽ rất mạnh, Ngài nói:

 

“Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh,

thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách.

Hội thánh chỉ là một tổ chức cứng ngắc.

Để biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa.

Giảng đạo chỉ là tuyên truyền láo khoét.

Việc thờ phượng chỉ là trò đồng cốt.

Và luân lý, lề luật sẽ biến thành xiềng xích vong nô”.

 

Nhưng Hội thánh Chúa Kitô có Thánh Thần, nên Hội thánh tuy vẫn còn sai sót khiếm khuyết, mà lại là nơi Thiên Chúa thi thố quyền năng tuyệt vời của Ngài nơi những kẻ tin và cho cả nhân loại. Hoa trái của Thần Khí Đức Kitô thì tràn đầy trong tâm hồn những tín hữu đón nhận. Đó là “yêu mến, vui mừng, bình an, quảng đại, tốt lành, lương thiện, tín trực…” đến độ Kitô hữu nào đón nhận Thánh Thần Chúa Kitô thì có khả năng thông ban sự vui mừng, bình an của ơn cứu độ sang người khác. Vì thế, nơi nào có Thần Khí Chúa Kitô Phục Sinh, thì nơi đó có yêu mến, vui mừng và bình an. Nơi nào không có Thần Khí Chúa Kitô, thì nơi đó chỉ có xôn xao, gay gắt, dè chừng lẫn nhau và mất bình an vô tận.

 

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu Phục Sinh “thổi hơi trên các Tông đồ, ban Thánh Thần và bình an”. Các môn đồ mừng rỡ khôn tả, Thánh Thần liên kết họ lại với nhau trong bình an hoan lạc. Họ lại liên kết muôn dân dù nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, tính tình khác nhau để nên một với nhau trong Đức Giêsu Kitô và trong sự hoan lạc bình an của Thánh Thần. Quyền năng Chúa Thánh Thần là yêu mến Thiên Chúa, yêu mến anh em trong vui mừng và bình an.

 

Mục đích của sự chết Thập giá và Phục sinh lên trời của Đức Giêsu là để ban Thánh Thần. Mục đich Chúa Thánh Thần đến là làm cho người ta gặp được Đức Giêsu Kitô, yêu mến và đón nhận Người vào cuộc đời mình, Chúa Thánh Thần là Đấng sinh ra những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô, cho nên những ai muốn được vào trong nước Thiên Chúa, đều phải được dìm trong phép Rửa của Thánh Thần, và được thành con cái Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ nuôi dưỡng, dẫn dắt những người ấy để họ sống trung tín với Đức Giêsu cho đến hết đời.

 

Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng: “Thánh Thần sẽ làm Ta được vinh hiển, Người sẽ lấy của Ta mà thông ban cho anh em”. Một vị đại thánh như thánh Phaolô chẳng hạn, và một người tội lỗi gian ác đầy mình, nếu cả hai nói được câu: “Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa” thì cả hai đều nói do ơn của Chúa Thánh Thần, chớ không phải do sức riêng của mình” (1Cr 12,3b).

 

Trước khi ăn cơm, một bà mẹ bảo đứa con nhỏ “Làm dấu đi con! Làm dấu đi con!” Đứa bé vụng về ngọng nghịu, giơ tay quơ quàu trên mặt: “Cha – Con - Thánh Thần”. Đó là ơn của Chúa Thánh Thần. Mặc dầu bên ngoài cử động của đứa bé còn vụng về đơn giản, bà mẹ còn phải sửa lại nhiều lần, nhưng trong tiềm thức đứa bé, hoa quả Chúa Thánh Thần đang nẩy mầm. Các bà mẹ trẻ nên chú ý hết sức đến việc xin Thần Khí Đức Kitô dẫn dắt mình trong việc giáo dục con cái, mà việc này phải bắt đầu ngay từ lúc nó còn là bào thai, trong lòng dạ của mình.

 

 

“Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Kitô và cũng là Cha của chúng con, xin ban Thánh Thần của Cha xuống trên mỗi người chúng con.

“Lạy Đức Kitô Phục sinh, xin Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng con. Chúng con khao khát đợi trông, và mở lòng ra để đón nhận.

“Xin Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng con bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

 

 

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS

 

Tảng đá Giáo Hội


Trước Thánh Thể Chúa Giêsu chúng ta thường hát "Này con là đá trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên vững.“ cầu nguyện cho Giáo Hội.


Lời ca hát cầu nguyện này đặt căn bản trên tâm tình Lời của Chúa Giêsu nói với Thánh Phêro, lúc Ngài trao quyền Giáo hoàng cho Ông ( Mt. 16,18-19).


Chúa bảo Ông Phêro là đá. Nhưng là loại đá gì?


1. Trên tảng đá


Ðá là chất liệu vật thể rắn cứng chắc. Nên được dùng làm nền để xây cầu cống, xây tường thành nền nhà, lát lối đi rải đường.


Ðá rắn cứng đối với bàn tay trần không của con người. Nhưng nếu lấy búa đục đập, máy xay có thể làm tảng đá, hòn đá tan vỡ ra nhiều mảnh nhỏ, thành hạt bụi nhỏ li ti.


Đá tuy cứng, nhưng tục ngữ cũng có câu ca ví : Nước chảy đá mòn!


Chúa Giêsu nói với thánh Phêro: Này con là đá. Ngài không chỉ muốn nói đến độ cứng chắc của đá, mà còn cả đến độ dễ tan bể dòn mỏng của, đá Phêro“ nữa.


Những lời hăng say nóng nảy bộc trực căn ngăn Chúa tránh chịu khổ nạn, cùng chối Thầy Giêsu ba lần của Phêro nói lên sự tiên liệu của Chúa!


Dẫu vậy Chúa Giêsu muốn xây Hội Thánh của Người trên sự yếu đuối dòn mỏng của con người Phêro. Ngài cần lòng tin yêu của Phêro. Ba lần Chúa Giêsu chỉ hỏi Phêro có yêu mến Chúa không thôi, trước khi trao quyền cho Ông chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội của Ngài.


Trong cuộc nói chuyện với Phêro, Chúa Giêsu nói với ông: “Simôn, kìa Xa-tan sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy cầu nguyện cho anh để khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy đi củng cố anh em của con nên vững mạnh.“ (Lc 22, 31-32).


Phêro với những giới hạn yếu đuối, đã chối Thầy mình ba lần, nhưng được dùng làm nền cho tòa nhà Hội Thánh ở trần gian.


Không chỉ riêng Thánh Phêro, một con người yếu đuối đã được Chúa Giêsu kêu gọi chọn làm Tông đồ trao quyền thuyền trưởng lái con tầu Giáo Hội ở trần gian. Nhưng tất cả những vị Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ xưa nay được Chúa kêu gọi tuyển chọn không phải vì thành tích cá nhân giỏi giang, nổi bật xuất sắc của họ. Họ cũng là những con người do Chúa dựng nên, và có những bất toàn giới hạn cùng yếu đuối.


Giáo Hội của Chúa không phải là tòa nhà với tảng đá khô cứng. Nhưng là ngôi nhà tâm hồn con người, những viên đá sự sống con người do Thiên Chúa dựng nên. Trên những viên đá con người sống động với những giới hạn yếu hèn đó, Chúa đã xây, cùng luôn hằng củng cố, đổi mới Giáo Hội của Người ở giữa trần gian từ hơn hai nghìn năm qua.


Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, qua làn nước Bí tích Rửa tội, trở nên thành phần sống động trong ngôi nhà Mẹ Giáo Hội của Chúa. Chúng ta thuộc về Giáo Hội, sống trong lòng người Mẹ Giáo Hội, chứ không là Giáo Hội.


Chúa Giêsu kêu gọi tuyển chọn 12 Thánh Tông Đồ, rồi trong dòng thời gian lịch sử từ hơn hai ngàn năm qua, các Đức Giáo Hoàng, các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, các Linh mục, các Tu sĩ Nam Nữ vào làm Tông đồ trong vườn nho Giáo Hội của Chúa. Chúa cần lòng yêu mến trung thành của họ với Thiên Chúa và với con người. Và qua ân đức Chúa Thánh Thần, họ được đổi mới hướng dẫn thành người môn đệ của Ngài trong Giáo Hội.


Các ngài là những người được Chúa kêu gọi và tin tưởng trao quyền điều hành Giáo Hội. Các ngài là những người có trách nhiệm gìn giữ cùng rao truyền kho tàng đức tin vào Chúa, kho tàng Lời Chúa và kho tàng ân đức các Bí tích.


Người Mẹ Giáo Hội Chúa Giêsu có nhiệm vụ làm chứng rao truyền Lời Chúa, đồng thời là tiếng lương tâm nhắc bảo về tinh thần niềm tin cùng luân lý cho con người trong đời sống. Mục Sư Martin Luther King đã có lần nhắc nhở nói: “Giáo Hội là lương tâm của nhân loại“.


Và Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI. trong buổi cầu nguyện ở Vương cung thánh đường Aparecida bên nước Brasilia, hôm 12.05.2007 vừa qua, đã nói: “Giáo Hội là ngôi nhà của chúng ta. Trong ngôi nhà Giáo Hội Công giáo, chúng ta tìm thấy được những gì tốt lành, những gì là nền tảng cho an toàn bình an và niềm an ủi


Chương trình của Trời Cao đã sắp đặt ai nấy đều có phận sự ở chỗ nào, vào thời điểm nào. Việc làm này của Chúa, trí khôn loài người giới hạn chúng ta không thể hiểu thấu được.


Vâng, “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì!“ Thánh Tôma Aquinô đã thốt lên tâm tình lòng tin như thế, khi ông suy nghĩ về công trình việc làm của Chúa trong Giáo Hội, trong trời đất.


Những trách móc, tệ hại hơn nữa những vu khống nói xấu thóa mạ người Mẹ Giáo Hội của Chúa Giêsu, trong đó có hàng Giáo phẩm - người Mẹ Giáo Hội Việt Nam, là điều không hợp thánh ý Chúa, không xứng hợp với văn hóa lễ phép tình người, nhất là với văn hóa lễ giáo phong tục Việt Nam. Nó gây ra nghi ngờ bất hòa cùng lỗi điều răn của Chúa về đức bác ái trong Giáo Hội của Ngài cách trầm trọng.


Và chúng ta, con người, những “viên đá dòn mỏng dễ tan vỡ“ cũng là đá nền tảng cho nhau nữa.


2. Đá trong đời sống


Ai cũng cần một chỗ đứng vững chắc dưới chân mình đứng. Nhiều người trong đời sống đã trở nên viên đá nền vững chắc cho ta.


Gần họ ta cảm thấy được bao che an toàn, như vợ chồng cho nhau, cha mẹ cho con cái, những người cùng lý tưởng chí hướng hay trong một tổ chức hội đoàn, cộng đoàn cho nhau.


Trên những tảng đá an toàn này, trẻ em an tâm dựa nằm vào lòng cha mẹ, vợ chồng trao cho nhau tình yêu thương nâng đỡ, con cái cảm nhận tìm đựợc sự an ủi vỗ về của cha mẹ, khi đời sống gặp những bước đường phiền muộn trắc trở; những người bơ vơ yếu đuối đang gặp cảnh cùng khốn nhận được sự an ủi trợ giúp tinh thần cùng vật chất của người khác…


Ðó là nhu cầu cuộc sống con người.


Một người bạn rủ tôi đi nghỉ hè vùng bờ biển miền nam nước Pháp, phía bờ biền Ðịa trung hải đã tâm tình: …chỗ bờ biển đó hay lắm, cách bờ khoảng hơn một cây số có những hốc đá thiên nhiên vừa cho hai ba bốn người chui vào một hốc. Lúc trời mưa nặng hạt lâu, hay trời giông bão sấm sét… người ta có thể kéo nhau vào chỗ đó trú mưa an toàn lắm. Ngày trời nắng gắt, tắm biển lâu mệt, muốn lên bờ nghỉ tìm chỗ mát đọc sách, cũng có thể chui vào những hốc hang đá đó nghỉ mát tốt lắm. Một máy điều hòa không khí của thiên nhiên thật tuyệt vời!


Ðá tạo ra nền tảng vững chắc. Hộc hang núi đá là nơi trú ngụ an toàn. Con người là đá nền tảng, là hang đá cho nhau khi họ trao tặng nhau tình người.


Thiên Chúa, Ðấng đã dựng nên tảng núi đá thiên nhiên trong trời đất. Và Ngài chính là tảng đá đời sống cùng đức tin, là tảng đá tình yêu an toàn mang đến sự bình an, lòng khoan dung cho mọi người.

 

LM. Nguyễn Ngọc Long

Đức Quốc

 

NHÂN ĐỌC “THAO THỨC” CỦA ĐGM BÙI TUẦN

 

 THAO THỨC CÙNG “THAO THỨC”

 

 

Tiếng là “đồng hương đồng khóa” thì sẽ được nghe nhiều biết nhiều, rành rẽ đến kẽ tóc chân tơ. Ay vậy mà mãi đến thập niên 1960 của thế kỷ trước, tình cờ trên những chuyến đi “thương hồ” để viết về loạt bài bút ký về các xứ đạo-làng quê bồng bềnh ở miệt vườn Nam bộ lục tỉnh, lần đầu tiên tôi mới hân hạnh gặp được người thật, việc thật là Đức Cha GB. Bùi Tuần và vô vàn những đồng cảm, những câu chuyện từ những bài viết đầy ấp trăn trở của ngài. Đứng trước núi Thái Sơn, tôi chỉ biế cúi đầu.

Nhớ mãi, ở cái thời đoạn gian truân dằng dặc ấy, kỹ thuật in ấn-đưa tin còn thủ công thô sơ lắm. Máy đánh chữ, stencil và photocopy, đâu có phồn vinh, linh hoạt và hiện đại như bây giờ. Vậy mà có đều chi, liền mạch quanh năm Phụng vụ: cứ vận hành theo nước lớn nước ròng, giáp hạt, phơi phong. Nhiều người như tôi đều nhận được những trang giấy. Những tập bài mỏng manh nhưng chở nặng tâm tình, mang hơi thở và nhịp đập của từng địa chỉ đức tin: Tòa Giám Mục Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Xây, Bò Ot, Năng Gù, Rạch Sỏi, Lấp Vò, Núi Sập, Hòn Chồng, Rạch Sấu, Chợ Mới, Xẻo Dầu, Tràm Chẹt… Đúng là một vùng miền đang khai sơn phá thạch, đang bồi lở, không cương vực, phơi phới, bạt ngàn. Càng đọc, tôi càng ngộ ra những cảm nghiệm và những nỗi niềm của người viết về “Giới Luật Yêu Thương” về “Khổ Đau và Tình Yêu” trên suốt những nẻo đường và trong dòng chảy thời gian của một đời phục vụ. Thì ra cái tư tưởng cốt lỏi của bản văn “Luận An” xửa xưa, luôn ám vận vào nghĩ suy, hoạt động của ngài, để rồi hóa thân thành tiếng thành lời trao gửi thân tình đến những ai “tôi chạnh lòng xót thương”. Bảo đấy là bài giảng lễ, giảng phòng, tu đức, thường huấn. Và cũng có thể coi đấy như là những giãi bày, mời gọi để trao đổi, chuyện trò, lắng nghe. Một ngày, một buỗi, một khoảnh khắc hay một đời thiên thu. Tin Mừng Cứu Độ – qua ngôn ngữ của Đức Cha GB. Bùi Tuần, một lần nữa theo gió mây kinh rạch chảy vào nội đồng Thốt Nốt, An Giang và lan tỏa đi khắp nơi. Để sống chung với lũ, với con đường bạt lúa, với chợ nổi, xe lôi, với bóng đèn điện rực vàng, với những mãnh đời gạo chợ nước sông.

 

Không hiểu sao, vùng đất chẳng lấy gì làm mầu mỡ, xôi mật, ở tít tắp chân mây bờ bãi này lại lưu dấu những con người-sự kiện nặng lòng với đức tin và văn hóa đến thế. Tự nhiên tôi nhớ ra mồn một. Nào là Sấm Truyền Cũ của thầy cả Lữ-Y Đoan (1613-1678) – tác phẩm thi ca hóa Phúc Am đầu tiên của người Việt Công giáo mà số phận hoa trôi bèo giạt từ Quảng Ngải xuống tận Cái Mơn, Cái Nhum. Nào Mạc Thiên Tích (1706-1780) với tao đàn Chiêu Anh Các qui tụ hiền tài tứ xứ thập phương về với non bồng nước nhược Hà Tiên. Nào Phi Năng Thi Tập của thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), cuộc xướng họa về “Nước Trời” khá sầm uất giữa cơn gió bụi mịt mờ phương Nam. Phải chăng, đây là những thời đoạn mở cõi, mở đời, mở đạo về miền cuối Việt? Kinh qua từng tháng năm, từng mùa vụ, để sinh sôi nảy nở những cây cao bóng cả, những chứng từ đức tin văn hóa: Phêrô Đoàn Công Quý (1826-1859), Emmanuel Lê Văn Phụng (1796-1859), Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861), Giuse Nguyễn Văn Lựu (1790-1853), Petrus Ký (1837-1898)…

 

Thao Thức của Đức Cha GB. Bùi Tuần, theo tôi nghĩ, không đơn giản là hồi ký hay tự truyện, hiểu theo cái nghĩa của một thuật ngữ văn học. Bởi “cái tôi” của tác giả mờ nhạt lắm, mờ nhạt đến độ muốn xóa mình đi, chỉ ẩn hiện, tản mạn đâu đó ở một góc khuất, cốt để ghi nhận, để kể chuyện, để làm bừng sáng lên cái tốt, cái đẹp, cái đáng yêu của một thế giới xung quanh đang ngồn ngột những đối kháng, đối trọng, xung đột. Đạo và đời, lương và giáo, lý trí và tình cảm, ưu đãi và loại trừ, phô trương và mặc cảm, trung tâm và ngoại biên, tâm thế và ngoại cảnh, còn mất, hợp tan… Thao Thức ở đây không mang dáng vẻ sắc màu kinh điển và lễ triều như Thư Chung của các bậc tiền bối. Đức Cha P.M Gendreau Đông (1892-1935), Đức Cha P. Munagorri Chinata Trung (1907-1936). Nhưng Thao Thức của Đức Cha GB. Bùi Tuần ở đây lại là “Một Tập Đại Thánh”, bởi có tổng hợp, thâu tóm được nhiều câu chuyện gợi lên thao thức khôn nguôi của tác giả muốn gửi gấm và chia sẻ với mọi người chúng ta. Bằng một văn phong dung dị, thân mật, bằng vui tự nhiên như ở nhà. Bằng một lý trí tỉnh táo, thông tuệ. Bằng một trái tim mẫn cảm, bao dung. Người nghe, người đọc có thể đồng hành với tác giả, từ gần đến xa, từ trong ra ngoài, từ riêng lẻ cá biệt đến thiên hạ đại sự, từ hoài niệm quá khứ đến hôm nay, ngày mai, từ hiện thực đến mạc khải, cả đến những dự báo tầm xa mang tính tiên tri.

 

Thao Thức về một thế giới xung quanh chập chùng bóng tối của cái nghèo. Nghèo áo cơm. Nghèo thuốc thang. Nghèo nhà ở. Nghèo việc làm. Nghèo văn hóa. Nghèo niềm tin. Nghèo liên đới xã hội. Nghèo lòng bao dung trong bối cảnh gia tăng “những cái nhìn cay đắng đối với tất cả những gì là phô trương của các thế lực chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội…”

 

Thao Thức ấy là câu truyện tưởng như đã cũ mòn, đã lạc hậu, nhưng lại ruột rà, thiết thân ngay từ tấm bé. Có cầu có thiêng, có kiêng có lành. “Đời sống của tôi là một chuyến đi cầu nguyện ở mọi nơi, nơi mọi việc, cùng mọi người. Luôn kiếm tìm thánh ý Chúa, đến với Chúa trong thân phận hèn mọn, nghèo khó…”

 

Thao Thức ấy là không ở lại trong tháp ngà tự mãn, an phận của riêng mình. Truyền giáo là thuyền lưới ra khơi, đánh bắt vất vả ngày đêm ở chỗ nước sâu, giong buồm sang bên kia bờ xa lạ, mênh mông để gặp gỡ, giao lưu, đối thoại và lắng nghe. Để thích nghi và hội nhập. Có một dụ ngôn mới kể về chuyến đi từ quê lụa Tân Châu, đứng lần chuỗi Môi Khôi ở một trai đường của một ngôi chùa cổ, giữa hương khói kinh kệ, ngó  thăm thẳm bên kia xứ sở Angkor sùng Phật mà chạnh lòng…

 

Thao Thức ấy là thao thức từ “những gì tôi chưa làm được của Hội Thánh và Quê Hương”. Ơ đây Thao Thức của tác giả đã òa vỡ thành tiếng thở nhọc nhằn trong buổi tối Tiệc Ly, khuya khoắt một mình trong Vườn Cây Dầu. Thao Thức ấy đã chìm vào những ranh giới mong manh, vô hình của cõi khác: Phù vân, hưu lễ, sa mạc, nước mắt của những nỗi đau đời chưa vui.

 

Và Thao Thức ấy còn vươn xa dài rộng thẳm sâu tới những chân trời mù mịt ngày mai. Hội Thánh truyền giáo, đức tin, lòng đạo, nhân sinh trước những chuyển động cấp tập qua thời đại toàn cầu hóa, botay.com, chủ nghĩa hư vô, nhà thờ trống rỗng, hưởng thụ…

 

Một thời nhiễu nhương chưa xa lắm trong lịch sử truyền giáo ở VN, tôi còn nhớ: Suốt 26 năm ròng rã và hầm trú (1935-1962). Đức Cha Stephanô Cuénot Thể đã truyền sức sống đức tin cho giáo phận Đàng Trong chỉ bằng những lá thư mục vụ vội vả, lén lút nhưng đầy ân sủng. Thầy cả Léopolid Cadiere (1896-1955) bận bịu mục vụ cho cả cánh đồng truyền giáo Di Loan, ấy vậy mà vẫn miệt mài nghiên cứu, viết lách, để lại cho đời một kho báo kiến thức chuyên sâu khổ ải bí kíp về tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa Việt. Chẳng ai còn lạ gì sự nghiệp và danh tiếng lẩy lừng về khoa hùng biện và trước tác văn chương thi phú của hai cây đại thụ trong hàng giáo phẩm CGVN là Đức Cha GB. Nguyễn Bá Tòng (1868-1944) và Đức Cha Dom. Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948).

 

Để kết luận, tôi phải mượn lời Đức Tổng Kiệt mới thấu lý đạt tình: “Không cần phải giới thiệu, mọi người cũng đã biết Đức Cha GB. Bùi Tuần. Gần nửa thế kỷ nay, ngài là một cây bút quen thuộc, được nhiều người mộ mến…”. Huống chi tôi, như chim trích vô rừng, trước mênh mông trời biển “Thao Thức”, chỉ xin làm người thu thuế đứng chìm khuất nơi gian cuối ngôi đền thiêng thánh ấy, hoặc như Giakêu cố kiểng chân lên để ngắm nhìn, bởi trí tôi nông cạn, lòng tôi bợn nhơ, chật chội, trong khi thế giới ngôn từ và nội dung chuyển tải Thao Thức của ngài đầy ắp những ẩn dụ cao vời, rộng rinh… Hóa ra giữa thời buổi botay.com này, nói như văn hào Guenter Grass, văn hóa đọc vẫn có chỗ đứng của nó.

 

 

LÊ ĐÌNH BẢNG

 

NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ SỐNG ĐẠO HÔM NAY

 

Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ 8 tháng 9 năm 2006 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi họp Hội nghị thường niên tại Huế, đã công bố thư mục vụ với đề tài: Sống đạo hôm nay. Thư Mục vụ viết: “Đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em” (số 1”. Chúng ta sẽ cùng nhau xem Đức Mẹ đã thực hành hai điểm đó thế nào và dạy chúng ta sống thế nào.

 

 I. GẮN BÓ VỚI THIÊN CHÚA

 

 Đức Mẹ đã hết lòng gắn bó với Thiên Chúa, nghĩa là vâng theo ý Chúa Cha và sống với Chúa Giêsu.

 

 1. Vâng theo ý Chúa Cha

 

 a) Khi nghe thiên sứ truyền tin, báo cho Đức Mẹ là Đức Mẹ sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đavít mà vẫn còn đồng trinh, Đức Mẹ đã bối rối. Nhưng khi được thiên sứ giải thích rằng đó là việc Thiên Chúa làm, Đức Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và thưa: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói” (Lc 1, 28-38). Từ đó, Đức Mẹ đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc đời, kể cả khi theo Con mình đến tận chân Thánh giá.

 

b) Chúng ta cũng phải noi gương Đức Mẹ để biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Như vậy chúng ta sẽ đáng được Chúa Giêsu khen là có phúc và nhận chúng ta là anh em của Chúa (Lc 8,21; 11,28). Nhờ lắng nghe Lời Chúa mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh hoặc nghe đọc trong Phụng vụ, chúng ta sẽ có thể nhận ra ý Chúa muốn chúng ta làm gì trong mỗi hoàn cảnh của cuộc đời, và hoàn toàn vâng theo ý Chúa khi vui cũng như lúc buồn. Xưa trong tiệc cưới Cana, Đức Mẹ đã nói với các gia nhân: “Ong Giêsu bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5); nay Đức Mẹ cũng nói với chúng ta như vậy: “Đức Giêsu bảo gì, các con cứ làm theo”.

 

 * Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi:

 

 - Đức Mẹ đã vâng theo ý Chúa khi nào?

 

- Chúng ta đã nghe và tuân giữ Lời Chúa thế nào?

 

 2. Sống với Chúa Giêsu

 

 a) Từ khi thụ thai Chúa Giêsu trong lòng, Đức Mẹ đã luôn luôn gắn bó với Chúa Giêsu, sống với Chúa. mọi suy nghĩ và việc làm của Mẹ đều nhằm phục vụ người Con yêu quý, như sách Tin Mừng cho chúng ta thấy, nhất là trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu: Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, đã dâng con trong đền thờ, đã đưa con trốn sang Ai Cập, đã ba ngày tìm con bị lạc trong đền thờ. Từ khi Chúa Giêsu ra giảng đạo, chúng ta ít thấy Đức Mẹ xuất hiện, có lẽ vì Đức Mẹ tôn trọng, không muốn gây cản trở cho hoạt động của Chúa Giêsu. Nhưng trong giờ hãi hùng nhất, là giờ Chúa Giêsu chịu thương khó, khi các môn đệ đã bỏ trốn hết, chỉ còn một mình ông Gioan, thì chúng ta thấy Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá để cùng chịu đau khổ với con (Ga 19,25-27).

 

b) Như vậy, Đức Mẹ nêu gương cho chúng ta. Nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã trở nên một thân thể mầu nhiệm với Chúa Giêsu và được sống sự sống thần linh của Chúa ban. Vì thế mỗi người chúng ta cũng có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chúng ta cần ý thức điều đó để nhớ rằng: Có Chúa Giêsu luôn luôn ở với ta trong mọi giây phút cuộc đời, Chúa không bao giờ bỏ ta. Vì thế ta luôn sống với Chúa và có thể cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt trong những giờ phút gặp khó khăn, đau khổ, ta biết rằng Chúa luôn ở bên ta, để ban ơn giúp sức cho ta vượt qua thử thách.

 

 * Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi:

 

 - Đức Mẹ đã sống với Chúa Giêsu thế nào?

- Chúng ta phải sống với Chúa Giêsu thế nào?

 

 II. ĐẾN VỚI ANH CHỊ EM

 

 Đức Mẹ luôn gắn bó và sống với Chúa, nhưng vẫn sinh hoạt như bao người khác khi sống trong gia đình Nadarét, đồng thời để ý đem Chúa đến cho người khác.

 

 1. Sống đời sống gia đình

 

 a) Thánh gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse là một gia đình không như những gia đình khác. Thế nhưng tại Nadarét, Thánh gia đã sinh hoạt bình thường như những gia đình khác. Đức Mẹ là một người nội trợ; thánh Giuse là một người thợ, lao động để nuôi sống gia đình, và đã truyền nghề lại cho con, nên Chúa Giêsu khi ra giảng đạo cũng được gọi là “bác thợ” (Mc 6,3), “con của bác thợ” (Mt 13,55). Thánh gia không sống xa cách với người khác, nên ai ai cũng biết (Ga 6,42). Đặc biệt, Thánh gia chú trọng đến việc giữ đạo như lề luật Chúa dạy: khi sinh con được 8 ngày thì làm phép cắt bì (Lc 2,21); đến thời gian luật định thì đem con lên đền thờ để tiến dâng cho Chúa và dâng lễ vật (2,22-24); khi trẻ Giêsu được 12 tuổi thì cả gia đình đi hành hương lên Giêrusalem nhân lễ Vượt qua (2,41-42). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng cũng là người thật, nên chắc hẳn thánh Giuse và Đức Mẹ đã có vai trò quan trọng trong việc giáo dục  Chúa Giêsu về mặt nhân bản và đạo đức (x. Lc 2,51).

 

b) Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ để sống với Chúa trong đời sống gia đình và trong những liên lạc với người khác. Ngày nay có nhiều ảnh hưởng bên ngoài có thể gây nguy hại cho sự đoàn kết trong gia đình cũng như cho việc giáo dục con cái. Noi gương thánh gia, mỗi gia đình Công giáo phải luôn đặt ý Chúa trên hết, và như vậy giữ vững tình yêu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa anh chị em, đồng thời giáo dục con cái nên những con người tốt trong xã hội, những tín hữu tốt trong Giáo hội.

 

* Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi:

 

 - Tại Nadarét, Đức Mẹ đã sống đời sống gia đình thế nào?

- Mỗi gia đình chúng ta phải sống thế nào?

 

 2. Đem Chúa đến cho người khác

 

 a) Đức Mẹ có Chúa Giêsu nhưng không ích kỷ giữ riêng cho mình, mà Đức Mẹ đem Chúa đến cho người khác. Như khi thiên sứ truyền tin đã cho Đức Mẹ biết là bà Elisabét, người họ hàng, tuy già rồi mà đã có thai con đầu lòng, thì lập tức Đức Mẹ đi đến miền núi xa xôi để thăm bà, chia vui với bà; Đức Mẹ cũng đem Chúa Giêsu khi đó còn đang ở trong lòng Đức Mẹ đến cho bà, khiến cho người con ở trong lòng bà đã nhảy lên vì vui sướng (Lc 1,36-44). Rồi khi Chúa Giêsu sinh ra. Đức Mẹ cũng đưa Chúa ra cho các người chăn chiên và các nhà chiêm tinh bái lạy (Lc 2,16; Mt 2,11). Sau khi Chúa Giêsu lên trời, chúng ta thấy Đức Mẹ cũng cầu nguyện với các tông đồ và một số người khác để trông đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống như Chúa Giêsu đã hứa (Cv 1,13-14). Đây là lần cuối cùng Tân Ước nhắc đến “Thân mẫu Đức Giêsu”: vào lúc Hội Thánh khởi đầu, Đức Mẹ có mặt, và chắc Đức Mẹ cũng đồng hành cách thiêng liêng với các tông đồ trong những bước đường truyền giáo, để cũng như Đức Mẹ, các ông đem Chúa Giêsu đến cho thế giới. Vì thế, Hội Thánh quen kêu cầu Đức Mẹ là “Nữ Vương các thánh Tông đồ”.

 

b) Đức Mẹ cũng là người hướng dẫn và đồng hành với chúng ta để chúng ta ra đi đem Chúa Giêsu đến cho người khác. Ngày nay trên thế giới, và ngay bên cạnh chúng ta vẫn còn vô số người chưa biết Chúa Giêsu, chúng ta phải là những tông đồ làm chứng cho Chúa, đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ. Khi mỗi người chúng ta làm ăn lương thiện, biết để ý đến người khác và giúp đỡ những người thiếu thốn, những người đau khổ về thể xác cũng như về tinh thần, khi mỗi gia đình chúng ta sống hòa thuận yêu thương nhau và cởi mở với những người xung quanh, là chúng ta làm chứng cho Chúa và làm cho Chúa hiện diện trong xã hội. Đặc biệt trong một thế giới đầy bóc lột, hận thù, khủng bố, người tín hữu phải làm chứng cho tình yêu của Chúa.

 

 * Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi:

 

 - Đức Mẹ đã đem Chúa đến cho người khác khi nào?

 

- Ngày nay chúng ta làm chứng cho Chúa cách nào?

 

Bài này có lẽ hơi dài. Chúng ta (cá nhân, gia đình, nhóm nhỏ, giáo xứ) có thể đọc mỗi lần một phần, suy nghĩ, cầu nguyện, rồi trao đổi, tìm cách áp dụng cho đời sống.

 

Xin Đức Mẹ soi sáng cho chúng ta hiểu hơn Đức Mẹ đã sống đạo thế nào, và xin Đức Mẹ giúp chúng ta noi gương Đức Mẹ sống đạo hôm nay trong lòng xã hội Việt Nam. Như vậy chúng ta sẽ thực hiện Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam mong ước là “làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người” (số 11).

 

 

Lm. Trần Phúc Nhân

 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

 

SAU KHI NGHE BÀI PHÚC ÂM LẠI KHÔNG ĐÁP "TẠ ƠN CHÚA"

Khi đọc bài đọc 1, 2 hoặc bài Phúc âm, tất cả đều kết bằng câu: Đó là Lời Chúa. Nhưng sau các bài đọc 1, 2 thì câu đáp là “Tạ ơn Chúa”, còn sau bài Phúc Âm thì câu đáp lại là “Lạy Chúa Giêsu, ngợi khen Chúa”. Cha có thể cho con biết tại sao có sự khác biệt.

Giải đáp

Ông Phan Đông thân mến,

Trong Phụng Vụ Lời Chúa của Thánh lễ thì phần chính yếu là các bài đọc được trích từ Kinh Thánh. Trong các bài đọc chính Thiên Chúa nói với dân của Người. Người tỏ ra cho dân biết mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ và Người ban cho họ lương thực thiêng liêng; Chính Đức Kitô dùng lời của mình hiện diện giữa các tín hữu. (Qui chế tổng quát sách lễ Roma-2000, số 55).

Sau mỗi bài đọc, thừa tác viên sẽ mời gọi tung hô Lời Chúa và cộng đoàn giáo dân tham dự sẽ đồng thanh đáp lại tương xứng với vinh dự dành cho Lời Chúa, được tiếp nhận trong lòng tin và trong niềm tri ân [ QCTQSLR, số 59 Khi đọc xong các bài đọc I hoặc II được kết bằng câu : “Đó là Lời Chúa” thì câu đáp là “Tạ ơn Chúa” trong khi sau Phúc Aâm cũng với câu kết ấy giáo dân lại đáp “Lạy Chúa Kitô ( chứ không phải Lạy Chúa Giêsu), ngợi khen Chúa”]. Tại sao lại có sự khác biệt ấy ?

Vì trong Thánh Lễ, địa vị của các bài đọc Kinh thánh không giống nhau. Việc công bố Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa. Khi nghe bài Tin Mừng thì chính Chúa Kitô hiện diện và nói với chúng ta qua Lời của Ngài. Vì thế phải dành cho Tin Mừng sự tôn kính xứng hợp (xem QCSLR-2000, số 60). Chính nghi thức cũng dành cho việc công bố này những dấu ấn danh dự đặc biệt : thừa tác viên có phận sự công bố là Phó Tế cần phải chuẩn bị bằng việc nhận phép lành và cầu nguyện, các tín hữu đứng để nghe đọc, rước sách Tin Mừng với đèn nến và bình hương đến giảng đài, xông hương Lời Chúa trước khi công bố, hôn kính sau khi đọc hoăc phải mang đến cho Giám mục hôn nếu ngài  chủ sự. Như vậy, không những chỉ có câu tung hô : “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” mà còn có những nghi thức chỉ dành riêng cho việc công bố Tin Mừng mà thôi như đã nói trên vì địa vị cao quí của bài đọc này. Ngoài ra phải nói thêm là việc đọc các bài đọc 1 và 2 có thể là giáo dân nhưng đọc Phúc Âm thì chỉ dành cho Phó Tế hoặc Linh Mục chứ giáo dân không được phép công bố Phúc Âm trong thánh lễ (xem QCSLRM-2000, số 94 và 99).

THÓI QUEN XIN LỄ GIỖ, LỊCH SỬ KINH TIN KÍNH CÔNG ĐỒNG NICÉE VÀ KINH TIN  

KÍNH CÁC TÔNG ĐỒ

 

1. Nhiều người tín hữu có thói quen tới ngày giỗ của thân nhân thì xin lễ giỗ, vậy thói quen này có từ khi nào ? Và có cần thiết không?

2. Xin cha cho con biết lịch sử của hai Kinh Tin Kính Nicée va Các Tông Đồ. Xin Chúa chúc lành cho cha.

Giải đáp

Quỳnh Hương thân mến,

1. Thói quen xin lễ giỗ ngày thân nhân qua đời là thói quen theo phong tục của người Việt Nam làm giỗ vào đúng ngày qua đời. Có người thì theo ngày âm lịch nhưng hiện nay có nhiều người nhớ ngày dương lịch cho tiện. Đó chỉ là một thói quen tốt để nhớ người quá cố chứ không phải là điều bắt buộc trong Hội Thánh vì ta xin lễ ngày nào cũng được.

2. Kinh Tin kinh của các tông đồ là một hình thức cổ nhất của việc tuyên xưng đức tin. Đó là sự tổng hợp cách ngắn gọn những điều phải tin từ những công thức có sẵn trước đó. Kinh Tin Kính này có từ thế kỷ II và có hình thức như hiện nay vào thế kỷ VI. Trước tiên đó là việc tuyên xưng đức tin khi chịu phép rửa tội và sau đó được dùng trong thánh lễ.

Kinh Tin Kính Nicée được Công Đồng Nicea năm 325 thông qua nhằm chống lại bè rối Arius phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Kinh này vừa lấy lại những gì đã tuyên xưng từ trước cộng với những gì mà Công Đồng Nicée định tín về thần tính của Chúa Giêsu "đồng bản thể với Đức Chúa Cha". Công Đồng nhấn mạnh đến điều Đức Kitô là " Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.

Thời gian sau đó thì Kinh Tin Kính này được hoàn chỉnh bởi Công Đồng Constantinope năm 381 nhằm định tín về thần tính của Chúa Thánh Thần bị phủ nhận bởi một số bè lạc giáo thời đó. Do vậy, Kinh này còn được gọi là Kinh Tin Kính Nicee-Constantinople.

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

 

CHỊ GABRIELLA BORGARINO, NỮ TỬ BÁC ÁI VINH-SƠN PHAOLO

 

- Lạy lòng Quan Phòng của Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, xin hãy dự liệu cho chúng con.


Đó là lời nguyện tắt do Chị Gabriella Borgarino, nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn, phổ biến tại Ý từ năm 1936. Ban đầu Chị phổ biến nơi cộng đoàn Các Chị cao tuổi của dòng tại Luserna, thuộc tỉnh Torino, Bắc Ý. Dần dần việc đọc lời nguyện tắt vượt khỏi ranh giới Hội Dòng và lan rộng khắp nơi.


Chị Gabriella viết lời nguyện tắt: ”Lạy lòng Quan Phòng của Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, xin hãy dự liệu cho chúng con” trên hàng ngàn mảnh giấy nhỏ hoặc trên những bức ảnh thánh, rồi phân phát cho tất cả những ai Chị có dịp gặp.


Càng đọc lời nguyện tắt người ta càng cảm nhận sự trợ giúp vô biên của lòng Quan Phòng Thần Linh của Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, nhất là trong hoàn cảnh đau buồn khốn khổ của 6 năm dài thế chiến thứ hai 1939-1945. Người dân có thói quen đọc 33 lần lời nguyện tắt, để tôn kính 33 năm tại thế của Đức Chúa GIÊSU. Đó là thói quen vẫn được tín hữu Công Giáo đạo đức ngày nay thực hành.


Chị Gabriella tên thật là Têrêsa Borgarino, sinh năm 1880 tại Piemonte, Bắc Ý, trong gia đình Công Giáo nghèo tiền của nhưng giàu lòng đạo đức.


Năm 20 tuổi, Têrêsa nhập dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh-Sơn và 6 năm sau, tuyên khấn lần đầu dưới tên gọi Chị Gabriella.


Chị Gabriella được Bề Trên giao cho những trách vụ hết sức khiêm tốn như chăm sóc người nghèo, người già cả, làm vườn và làm bếp. Giống như thánh nữ Catherine Labouré (1806-1876), nữ tu cùng dòng người Pháp, Chị Gabriella biết hòa hợp cách diệu kỳ hai cuộc sống hoạt động và chiêm niệm. Vừa chu toàn các công việc chân tay Chị vừa kết hợp mật thiết với Đức Chúa GIÊSU hiện diện thật sự trong Nhà Tạm, và nhất là, bằng cách đọc liên lỉ lời nguyện tắt:


- Lạy lòng Quan Phòng thần linh của Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, xin hãy dự liệu cho chúng con.


Chị Gabriella có lòng tin tưởng tuyệt đối nơi sự trợ giúp vô biên của Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU, trong bất cứ trường hợp khó khăn nào ..


Vì biết rõ mình không làm được công trình gì đáng kể nên Chị cố gắng chu toàn công việc khiêm tốn với trọn lòng yêu mến. Đối với Chị, đó là điều làm vui lòng Chúa nhất. Chị viết:


- Đức Chúa GIÊSU làm cho tôi hiểu: tôi có thể hái hoa ở bất cứ nơi đâu và dâng cho Chúa. Chúa cho tôi hiểu thêm: không nên bỏ lỡ cơ hội, xem ra nhỏ bé tầm thường, để biến chúng thành đóa hồng dâng lên THIÊN CHÚA. Chúa muốn tôi trở thành kẻ hái hoa và người mót lúa cho Chúa.


Con đường nên thánh của Chị Gabriella chỉ gồm trong việc chu toàn việc nhỏ nhặt và biểu lộ tình bác ái huynh đệ chân thành cũng chỉ trong việc nhỏ nhặt nhất. Chị viết cho Cha Giải Tội:


- Một buổi sáng, khi đến nhà nguyện, con trông thấy một Chị cao tuổi muốn mở cửa sổ. Con vội vàng chạy đến và mở giúp Chị. Chị ấy tỏ dấu thật hài lòng, nhưng trong lòng, con thưa với Chúa: ”Con xin dâng cho Chúa cánh hoa đẹp sáng sớm này!” Khi xuống cầu thang, con trông thấy một Chị cao tuổi khác mệt nhọc bước, con liền nói: ”Hãy vịn tay em rồi em đưa Chị xuống”. Chị liền nắm chặt tay con và chúng con cùng bước xuống cầu thang. Trong lòng, con cũng thầm thĩ dâng lên Chúa cánh hoa thứ hai trong ngày. Khi đến gần nhà nguyện, con lại trông thấy một Chị cao tuổi, muốn khoác khăn choàng lên vai, nhưng không làm được. Con vội vàng đến giúp Chị. Khi vào nhà nguyện, quỳ trước Mình Thánh Chúa, con liền cám ơn Chúa cho con 3 dịp nhỏ để con thi hành đức bác ái với Chị em. Và con hiểu rằng, Đức Chúa GIÊSU hài lòng với những việc làm kín đáo nhỏ mọn như thế, vì chỉ duy nhất Chúa trông thấy mà thôi.


Có thể nói trọn cuộc đời mình, Chị Gabriella Borgarino chỉ thi hành việc nhỏ mọn, nhưng Chị qua đời trong hương thơm thánh thiện, và trong sự thương mến của các Chị em trong cộng đoàn. Chị êm ái trút hơi thở cuối cùng đêm 1 rạng ngày 2 tháng Giêng năm 1949, hưởng thọ 69 tuổi.

 

(”Le Christ au Monde”, Mars+Avril/1993, trang 178-183).


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

TÌNH LÀ CƠM

 

" Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ, đẻ luyến ái vợ mình. Và cả hai sẽ nên một" .

Vài tuần nay, nếu ai có đến xứ A chơi, sẽ nghe thiên hạ đồn ầm lên : Cậu L. sắp lấy cô M, ở xứ B.

Còn ở xứ H. này, ai mà không biết, cô M. sắp lấy chồng ở xứ A.

Nhưng nếu có anh bạn thân nào, nghịch ngợm, hỏi nhỏ vào tai cậu L.

- L ơi, sao mi lại cưới M. đấy ?

Chắc chắn một điều, không bao giờ cậu L dám trả lời rằng, tại lở đang cần một người nấu cơm, giặt giũ, đang cần một người để chăm sóc bà mẹ tớ đang bị đau, hay đoạ đức hơn, tại tớ đang cần một người để đọc dinh chung mỗi tối, có người đọc " Kính Mừng", mà chưa có người thưa " Thánh Maria". Mà câu trả lời sẽ là : Tại tớ thương cô ấy chứ sao.

Và cô M, cũng thế, ai có hỏi : Tại sao thì cũng chẳng bao giờ, dám trả lời : " Cho nó xong đi", hay tại tớ khoái mặc ấo cô dâu, mà cũng chỉ có câu trả lời dễ thương : Tại thương anh âýa quá chừng.

Và thế đấy. Người ta cưới nhau vì thương nhau. Tình yêu ấy mãnh liệt lắm. Mãnh liệt hơn cả sợ chết. Đây em dại khờ, không lấy được nhau, lao đầu xuống thuốc sâu tự tử. Tình yêu mãnh liệt lắm, như Kinh Thánh nói : " Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình". Vì tình yêu đôi lứa, mà người ta dám bỏ cả những mối dây thân tình cao quí nhất, là tình mẹ, tình cha, dể tập trung vào một đối tượng khác.

Nhưng điều mà chúng ta muốn nói ở đây : là đi nhất quyết thương nhau như thế, thì phải thương nhau mãi mãi đấy nhé. Khi tịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ. Đừng có mới nới cũ. Đừng thấy vẻ bóng bẩy bên ngoài của một đối tưọng khác, rồi quay lại, chê chán người đã ước thề hôm nay. Phỉa biết khen nhau. Sống với nhau lâu, người ta hay quên mất điều này. Phải biết cảm thông cho nhau. Nếu khi thấy mình có một quyết định hay hành động sai trái, mình ước mong người bạn đời cảm thông và hiểu cho, thì khi thấy người ấy vướng mắt sai lầm, mình cũng hãy biết cảm thông, nâng đỡ. Rồi nữa, phải biết xin lỗi nhau. Đây là một yếu tố quan trọng, phá tan được những đổ vỡ trong gia đình.

Rồi nữa, đã nhất quyết thương nhau, phải thương nhau cho thật đấy. Phải cố mức lấy thật nhiều hạnh phúc cho tình yêu đấy.

Mà để múc đuợc hạnh phúc, thì điều đầu tiên không bao giờ đuợc phép quên : là phải giữ liên lạc với nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa. Gặp gỡ Ngài trong mọi công việc, nhất là vào giờ sáng hay buổi hoàng hôn. Có hình ảnh nào đẹp hơn, khi đêm đêm bên ngọn nến hồng, vợ chồng chung nhau lời kinh nguyện.

Rồi nữa, để múc được hạnh phúc, thì điều thứ hai phải làm, là biết quên mình, để chỉ nghĩ đến nhau. Lấy nhau, không phải để lo cho mình được hạnh phúc, mà là để mang lại hạnh phúc cho ngưòi mình yêu.

Nếu hạnh phúc được ví như là cơm, thì người chồng chính là gạo, và người vợ chính là nước.

Gạo và nước có để chung với nhau ngày này sang ngày khác, thì mãi mãi chẳng bao giờ thành cơm, mà ngược lại, gạo cũng sẽ hư thối, nước cũng thành nước hôi.

ĐỂ gạo và nước, có thể thành cơm, phải có lửa. Lửa nóng, lửa cháy, sẽ làm cho nước sôi, gạo chín. Lửa ấy chính là sự hy sinh. Chính sự hy sinh quên mình, làm tình yêu hai ngưòi thành hạnh phúc.

Mà đã nói đến hy sinh, là nói đến thua thiệt và đau đớn. Nói hy sinh, nghĩ hy sinh chưa đủ, mà phải thực hiện trong hành động.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một hình ảnh tuyệt vời, trong câu chuyện vắng bóng một thời, đó là tập truyện " Tiếng chim hót trong bụi mận gai". Để có được tiếng hót " đẹp tuyệt' dâng đời, con chim bé nhỏ, ở quê hương nước Úc đa phải bay vút lên cao, rồi đâm bổ vào một bụi mận, có nhiều gai nhọn; khi những chiếc gai nhọn đâm thủng lồng ngực, con chim sẽ kêu lên, những âm thanh lạ lùng và tuyêt vời, để dâng cho đời, làm cho đời phong phú và lạ lùng hơn. Một tiếng hát của tình yêu xây dựng bằng đau thương.

Song song với việc hy sinh quên mình, để múc đuợc hạnh phúc, là người ta phải biết nô giỡn với nhau, biết nói tếu và biết chọc ghẹo nhau.

Có những người nghiêm trang, bảo rằng ai lại làm thế. Nhưng  thực ra, sự vui giỡn với nhau, sẽ làm cho đời sống đuợc nhẹ nhàng đi rất nhiều. Nó giúp ta sống lại những ngày còn tình nhân, nó là thay đổi đổi không khí trong gia đình, và nó làm cho chúng ta dễ quên đi, những vất vả trong công việc hàng ngày; tạo được sự thoải mái, và thế là niềm hạnh phúc lại ló dạng.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

 

Giáo dục con cái

 

 CHA MẸ CẦN BÌNH TĨNH

 

 

Câu chuyện cặp vợ chồng người Anh phải ra tòa vì đã giết hại người con 28 tuổi của mình đã làm nhiều người mủi lòng. Người con trai 28 tuổi ấy sinh ra đã bị tật nguyền và đã phải trải qua vô số cuộc giải phẫu. Mỗi lần giải phẫu, một tật bệnh khác lại nẩy sinh. Cha mẹ anh ráng nuôi anh, nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng. Anh mất dần những khả năng của một người bình thường. Lần cuối cùng cha mẹ anh được báo trước là anh sẽ mất luôn thị giác sau khi thính giác đã bị mất hoàn toàn trong lần giải phẫu trước đó. Cha mẹ anh không thể chịu đựng được khi thấy con mình chịu hết đau đớn này tới đau đớn khác. Họ quyết định không cho anh giải phẫu lần này vì họ không thể để anh mất đi niềm vui cuối cùng là thị giác của anh. Ong bà đã chọn cho anh cái chết. Ra tòa, cả hai bị buộc tội sát nhân. Họ chấp nhận, nhưng nói, “Như thế còn tốt hơn là để cho anh chịu đau đớn thêm nữa”. 28 năm chăm sóc cho người con tật nguyền. Không ai biết họ đã để cho anh chết cách nào, nhưng đó là sự lựa chọn đau đớn để khỏi thấy con mình khỏi đau đớn thêm nữa. Họ cũng không có tiền để đưa anh sang Thụy Sĩ nơi mà sự lựa chọn cái chết được cho phép khi không còn cách nào khác.

 

Huệ Chi là cô giáo xinh đẹp và khỏe mạnh. Cô thường mặc áo dài đi dạy. Một hôm tình cờ cô đi khám bệnh thường niên và bác sĩ khám phá ra cô bị bệnh tim. Cuộc giải phẫu tim giúp cô khỏe mạnh thêm được hai năm, nhưng sau đó bệnh tim tái phát. Gia đình chạy hết cách để lo cho cô. Rồi cô bị liệt nửa người phải nằm yên một chỗ. Cha mẹ và gia đình không muốn cô chết nên cố lo lắng cho cô. Ong bà phải bán cả căn nhà mới xây bên Tân Thuận, quận 4, để chạy chữa cho con. Người em gái phải bỏ bê cả gia đình và con cái để chăm sóc cho chị mình. Gia đình bên chồng cô em bực bội vì cô em quá lo cho người chị bị liệt giường, bệnh hoạn. Anh chồng chịu không nổi bèn xin ly dị. Ba năm sau, Huệ Chi qua đời sau khi chịu đựng cuộc sống thực vật với sự chăm sóc tận tình của gia đình và sự hy sinh hạnh phúc của chính em mình. Mọi người tội nghiệp cho cô thì ít mà cảm thương cho hoàn cảnh gia đình, nhất là gia đình cô em, thì nhiều.

 

Không cha mẹ nào muốn cho con mình rơi vào hoàn cảnh bệnh hoạn yếu đau. Không cha mẹ nào nỡ lòng bỏ mặc người con bệnh hoạn. Lời chúc tụng “mẹ tròn con vuông” nghe như những lời sáo rỗng thực sự vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi lo của cha mẹ. Biết con mình có lành lặn tay chân đến khi mình nhắm mắt hay không? Biết bao nghịch cảnh xảy ra chung quanh chúng ta trong xã hội mà chẳng bút mực nào tả xiết. Biết bao đau đớn và lo lắng cha mẹ phải chịu khi con cái sinh ra mắc tật nguyền hay phải chịu tật nguyền giữa lúc đang tràn đầy sức sống vì một chứng bệnh nào đó, một tai nạn nào đó.

 

Bệnh tật về thể xác làm cho cha mẹ lo lắng, ăn ngủ không yên bao nhiêu thì bệnh tật tinh thần càng làm cho đấng sinh thành héo mòn vì lo lắng bấy nhiêu. Ay vậy mà có nhiều cha mẹ chẳng hề ý thức là mình đang làm cho con cái mắc những tật bệnh tinh thần.

 

Bé Ti Ti vừa bị té bầm tím tay chân đã bị mẹ dúi đầu xuống đất la mắng “đi đứng không đàng hoàng”, “cho mày chết!” Cu Tèo bị kiến cắn ngủ không được gọi mẹ nửa đêm lại bị ba gào lên “Đang đêm mà mày muốn gì?” “Có câm ngay không hả?” Vết kiến cắn đỏ cả cánh tay làm Cu Tèo ngứa ngáy không ngủ yên được lại còn bị mắng te tát. Bé Vi Vi đi học về khóc mếu máo vì bị mất chiếc áo lạnh. Chưa kịp báo cáo cha mẹ đã bị la “Đồ vô dụng, có cái áo mà không biết giữ gìn!” “Chuyên môn bừa bãi… bậy đâu vứt đó… Cho mày chịu lạnh luôn!” Ba ngày sau, một bà mẹ có con học cùng lớp với bé Vi Vi đem trả lại chiếc áo, vì khi đón cháu của mình. bà ta đã lấy lầm chiếc áo có ghi tên bé. “Xin lỗi… Xin lỗi!”

 

Chuyện nhỏ với người lớn, nhưng không nhỏ với trẻ em. Những la mắng, chửi bới, đánh đập trẻ nhỏ như vậy – bình tĩnh mà xét – chỉ làm cho con cái sợ sệt. Ti Ti không dám khóc, không dám xin xức dầu chỗ bầm tím vì sợ bị đòn. Cu Tèo nằm im re chẳng dám xụt xịt dù chỗ kiến cắn nhức không chịu được. Cậu bé cố chịu đựng. Bé Vi Vi chỉ biết khóc chứ không thể thanh minh thanh nga là mình vô tội.

 

Có vô số chuyện nhỏ trong giáo dục con cái như trên khiến con cái tổn thương tinh thần. Có bé sợ hãi. Có bé sợ quá làm kinh ban đêm hay giật mình riết sinh bệnh. Lớn lên một chút lúc năm, bảy tuổi, có bé phản ứng cãi lại hay hậm hực “ngậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt” như “Chú hổ nhớ rừng” của Thế Lữ.

 

Tại nhiều thành phố lớn, một trong những công việc quan trọng của Hội đồng thành phố là chăm sóc các em bé để có được những công dân tương lai mạnh khỏe. Họ cũng không quên chăm sóc những em bé tật nguyền bẩm sinh hay do tai nạn để tiếp tay với cha mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ và chia sẻ nỗi nhọc nhằn của những gia đình không may mắn. Một nhiệm vụ khác là giáo dục cha mẹ, không phải là chuyện chỉ vẽ việc nuôi nấng dinh dưỡng cho con mà còn là chuyện giữ bình tĩnh, làm chủ bản thân mình trong nhiều tình huống. Tránh cảnh “cả vú lấp miệng em”, tránh đi những hệ quả vô cùng tai hại là làm cho con trẻ mất tinh thần sinh ra sợ sệt và tổn thương óc não. Y học cho biết não của trẻ em hoạt động với mức độ 60% (sáu mươi phần trăm) năng lượng của cơ thể, trong khi ở người lớn năng lượng dành cho não chỉ có từ 20% đến 25% mà thôi. Giai đoạn ấu thơ là giai đoạn cần vun đắp cho con nhiều nhất.

 

Trần Bá Nguyệt

 

ĐỌC SÁCH

 

Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng ta!”

 

( Mc 10:14)

Bac d’aquin (đọc là Bắc Đa Can) là họ đạo nghèo nhất trong 8 họ đạo mà tôi ghé thăm. Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã khá chiều. Những sánh sáng yếu ớt còn “sót” lại của ông mặt trời đang cố vươn lên toả ra những hạt sáng cuối cùng trước khi đi vào giấc ngủ của đêm trường. Đối với người dân làng quê Haiti, thì chiều nào cũng như chiều nào, khi ánh mặt trời khuất bóng thì mọi người ai về nhà nấy và… lên giường. Theo như lời họ thì “thức để làm gì, khi bóng tối vây quanh – không đèn, không điện.”

Nhưng hôm nay thì khác hẳn mọi hôm - họ đã tập trung ở nhà thờ, hay nói đúng hơn là một cái chòi xiêu vẹo để đón chúng tôi. Họ vừa ca, vừa hát, vừa vỗ tay chào đón chúng tôi bước vào nhà thờ. Tôi ngượng “chín” người – vì đây là lần đầu tiên trong đời được tiếp đón long trọng như thế! Tuy chẳng hiểu ất giáp gì nhưng biết là họ đang đón chào mình!

Nhà thờ họ đạo Bac d’aquin, Haiti

Nhà thờ vẫn trống rỗng (như bao nhà thờ khác tôi thấy ở Haiti) có một số băng ghế dài khoảng 4 mét được xếp thành hai hàng - và một chiếc bàn nhỏ dùng làm bàn thờ. Tôi nói nhỏ vào tai ông Mike:

- Ông hỏi tôi khi chúng ta ở những giáo xứ trước là mỗi băng ghế như vậy thì ngồi được bao nhiêu người? và tôi đã trả lời: "Bao nhiêu người cũng được” và bây giờ ông tin tôi chưa?

- Dạ con đếm ở dãy ghế đầu (khoảng 4 mét) có tổng tộng 18 người ngồi! Ông Mike trả lời. (Ông cần chụp tấm hình này đem về cho giáo xứ mình thấy để họ không “giành chỗ” để áo lạnh hay cảm thấy khó chịu khi phải ngồi gần một người khác!)

- Con cũng nghĩ vậy.

Hôm nay tự nhiên trở thành “người nối tiếng” lúc nào không biết. Nổi tiếng không phải vì tôi đã làm gì hay nói gì, mà nổi tiếng vì tôi là “dị nhân”. Những người dân bản xứ ở đây chưa bao giờ nhìn thấy một người Á Châu – nên họ cứ nhìn tôi chằm chằm. Đến lúc cha Remé giới thiệu tôi là một Linh Mục thì họ càng nhìn tôi “kỹ” hơn. Tôi có cảm giác như là mình đang bị “soi mói” không còn chỗ nào được che kín. Họ “soi mói” tôi cũng giống như tôi đã từng “soi mói” những người da trắng tôi gặp trước khi đi Mỹ. “Soi mói” với một sự tò mò cao độ nhưng với tất cả tình thân thương!

Tôi cùng trẻ em ở Haiti

Để mặc cho Cha Remé và hai người đồng hành nói chuyện với họ, tôi bước ra khỏi nhà thờ nơi có một đám trẻ khoảng mấy chục đứa đang ngóng đầu vào trong. Có một đứa trên tay cầm trái banh, tôi bước tới giơ tay muợn trái banh, thảy ra sân và giơ tay mời chúng. Chúng nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, sau đó quay qua nhìn nhau, rồi đồng loạt gật đầu và chạy ra sân. Gọi là sân đá banh, nhưng thật sự đó là mảnh đất dính liền với nhà thờ. Cây cỏ mọc thành bụi và có cả những cây gai giống như cây mắc cỡ ở Việt Nam, nhưng gai thì cứng và dài hơn một chút.

Chúng tôi chia làm hai đội và bắt đầu… cuộc chiến. Đã lâu lắm rồi tôi không đá banh nên thở ra cả màng tai. Nhưng cứ mỗi lần chân tôi đụng banh là các “khán giả cuồng nhiệt” trẻ măng của tôi đứng ngoài hò hét vang dội cả một góc trời. Tôi không biết bọn trẻ la hét cái gì nhưng tôi nghe tên tôi rõ mồn một theo từng nhịp dẫm chân của chúng: Mar-Ti-No! Mar-Ti-No! Mar-Ti-No! Và khi tôi ghi được một bàn thắng thì “bóng chiều” của làng quê gần như là nổ tung ra - với tiếng reo hò của bọn trẻ. Chúng chạy tràn ra sân đè tôi xuống, nhảy đè lên người tôi và sau khi tôi đã “ngoi ngóp” đứng dậy thì chúng “high-five” tôi! Thật đúng khi người ta nói: “Bóng đá là ngôn từ của sự cảm thông!”

ông Chủ t ịch Hội đồng Mục vụ cõng tôi!

Sau trận bóng đá kép dài chỉ khoảng… 20 phút là cơn xuyễn đã làm chặn “khí quản” của tôi. Được dặn từ trước về căn bệnh “bất trị” này, ông chủ tịch hội đồng mục vụ cõng tôi trên vai để mang tôi về xe và mở máy lạnh và bơm thuốc trợ thở để tôi hồi phục. Khi mở mắt ra, tôi thấy các em đang bu đầy chung quanh xe, mặt em nào cũng tỏ ra lo lắng. Thấy tôi ngồi dậy, chúng vỗ tay reo hò và đó cũng là lúc tôi giơ tay… vẫy chào tạm biệt các em. Vâng, chỉ tạm biệt thôi vì tôi sẽ trở lại - Hứa với các em đó – Cha sẽ trở lại nhé!

Chút Suy Tư:

Bạn thân mến, chỉ đơn giản thế thôi, tôi đã được sống và cảm nhận được tình yêu! Tình yêu không cùng ngôn ngữ, nhưng được thể hiện qua ánh mắt và con tim. Tình yêu không vị lợi, không ghen ghét, không phân biệt giai cấp hay giàu nghèo. Các em đã cho tôi rất nhiều - nhiều hơn là tôi cho đi! Ước mong sao thế giới này không còn những hận thù ghen ghét nhưng chỉ toàn tình yêu vì “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là muôn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau.” (Jn 13:35)

Lm.  Martino Nguyễn Bá Thông